Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2025

Hôm nay và Ngày mai

Tỉnh dậy sáng nay 

Vẫn những câu chuyện cũ xưa 

Xung đột, chiến tranh, giàu nghèo và cái chết 

Chẳng có phép màu nào hết 

Có phải từ thế kỷ trước 

Còn đó dang dở ước mơ 

Đâu rồi bình đẳng, phồn vinh, bác ái, tự do ?

Bị chôn vùi trong đổ nát Syria và Gaza 

Những nấm mồ ở Ucraina và Nga

Các nước vẫn tiếp tục 

mua thêm vũ khí 

Để bảo vệ "Độc lập - Tự do - Công lý"

Những ngôn từ bay bổng làm sao

Và ngày mai? 

Vẫn thế!

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2025

Ucraina: Việt Nam 2.0

Cuộc chiến tranh xâm lược Ucraina của Nga kéo dài đã ba năm rưỡi. Nhìn lại thì thấy cuộc chiến này có những điểm khá giống với cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam trước đây. Cái "tội" của Ucraina là vị trí địa lý và nguyện vọng của nó: Nằm giưã một bên là Nga và một bên là các nước EU - NATO. Nguyện vọng của nhân dân Ucraina là có cuộc sống phồn vinh như các nước vốn cùng từng theo phe của Liên Bang Xô viết và cũng từng phải sống trong những xã hội khắt khe và đời sống nghèo khổ. Nga coi đó là "mối đe doạ" cần loại bỏ. Cái "tội" của Việt Nam cũng tương tự. Việt Nam nằm sát phía dưới phe Xã hội Chủ nghĩa, bao bọc xung quanh là các nước trong khu vực ảnh hưởng của Mỹ và đang lo sợ sự bành trướng của phe cộng sản. Còn dân Việt Nam thì có nguyện vọng chính đáng là thống nhất đất nước mình bị các cường quốc nước ngoài chia cắt. Mỹ coi đó là nguy cơ bành trướng của cộng sản và cần thiết phải loại bỏ. Cả hai nước đêù bị các nước lớn lợi dụng. Mỹ và các nước Phương Tây muốn dùng Ucraina làm suy yếu Nga. Trung Quốc khi đó muốn đánh Mỹ "đến người Việt Nam cuối cùng". Khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2/2022, lãnh đạo Nga tin rằng sẽ chiếm được Kiev trong 3 ngày, chính quyền Ucraina sẽ sụp đổ nhanh chóng và dân Ucraina sẽ hồ hởi mang hoa, bánh mì và muối ra đón "quân giải phóng Nga". Sự thật diễn ra đã chứng minh Nga đã đánh giá sai đối phương và có ảo tưởng nghiêm trọng đến thế nào. Người Ucraina đã kháng cự quyết liệt. Người ta còn nhớ rõ về đoàn xe tăng dài tới 60 km của Nga tiến về Kiev đã bị bắn cháy và tê liệt hoàn toàn. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam vào khoảng đầu những năm 60, Mỹ đề ra kế hoạch Stanley Tailor để "bình định" Nam Việt Nam trong 18 tháng. Họ bắt hàng triệu nông dân bỏ làng xóm để vào sống trong các "ấp chiến lược" - một dạng trại tập trung trá hình -với ý đồ tách "Việt Cộng" ra khỏi dân cho dễ tiêu diệt. Chiến lược và kế hoạch này đã hoàn toàn thất bại trước sức kháng cự của dân chúng. Trở lại với Ucraina, sau khi ý đồ "chiếm Kiev trong 3 ngày" hoàn toàn thất bại, Nga chuyển sang chiến lược khác. Đó là dùng sức mạnh và nguồn lực khổng lồ của mình để "đốt sạch, giết sạch, phá sạch" Ucraina như Đức Quốc xã đã từng làm khi xưa. Có lẽ Nga tin rằng Ucraina sớm muộn sẽ kiệt quệ tới mức phải đầu hàng. Đúng là Ucraina phải hứng chịu chết chóc và tàn phá nặng nề. Nhưng Ucraina không đầu hàng. Ucraina không suy yếu mà lại còn mạnh hơn trước. Hạm đội Biển đen hùng mạnh của Nga bị đẩy khỏi căn cứ chính Sevastopol và phải lùi sâu về vùng biển phía xa để tránh bị hủy diệt hoàn toàn. Mới gần đây, lực lượng "pháo đài bay" chiến lược của Nga dù đã lùi xa hàng ngàn km sâu trong đất Nga nhưng vẫn bị chiến dịch Mạng Nhện tài tình của Ucraina hủy diệt tới một phần ba. Mới có ba năm chiến tranh mà Nga đã tổn thất gồm chết và bị thương tới hơn một triệu binh sĩ. Nhiều kho đạn dược và xăng dầu lớn, tổ hợp lọc dầu, nhà máy quân sự, sân bay quân sự, v.v. bị đánh phá nặng nề. Chiến tranh tiêu hao của Nga lại đang bào mòn chính nguồn lực và tinh thần của Nga. Truyền thông chính thống của Nga cố tình che dấu những thiệt hại của Nga. Nhưng chính người dân Nga đã ghi lại cảnh những kho xăng dầu, đạn dược lớn bị trúng drone của Ucraina và cháy nhiều ngày không dập tắt được. Nhưng những nghĩa trang lính Nga mới tử trận mọc lên khắp nước Nga và cứ tiếp tục mở rộng mãi ra nói lên tất cả. Sẽ đến lúc dân thường Nga không còn im lặng chịu đựng được nữa. Họ sẽ không chấp nhận chồng và con em của mình phải chết không phải để bảo vệ tổ quốc như cha ông họ trong Thế chiến 2, mà là trong những cuộc đánh phá nước Ucraina anh em để bảo vệ ngai vàng của "Putin Đại Đế" và túi tiền khổng lổ của giới tỷ phú Nga "bạn bè " của ông ta. Trở lại Việt Nam thì sau khi kế hoạch Stanley Tailor thất bại, Mỹ chuyển sang một chiến lược mới. Đó là chiến tranh "leo thang". Theo chiến lược này, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn quân đội chính quy gồm đủ hải - lục - không quân. Số lượng bình sĩ trên mặt đất tăng từ khoảng 20 ngàn năm 1964 lên tới hơn 500 ngàn năm 1968. Lực lượng lục quân này sử dụng tới gần 12.000 máy bay trực thăng cho không biết bao nhiêu những chiến dịch "Tìm và Diệt" du kích và quân Giải Phóng. Không quân Mỹ sử dụng tới 8 căn cứ không quân lớn và hàng chục sân bay nhỏ ở khắp miền Nam Việt Nam để phục vụ cho khoảng hơn 3.500 máy bay chiến đấu các loại. Những máy bay này liên tục bắn phá, ném bom "rải thảm" bằng B-52, ném bom napalm và rải chất độc da cam xuống tất cả những nơi bị nghi là có quân Giải phóng và Bắc Việt. Mỹ đã lập một "kỷ lục" là đã ném xuống Việt Nam tới 4,6 triệu tấn bom. Còn Việt Nam thì lập một "kỷ lục bất đắc dĩ" là nước bị ném bom nhiều nhất trong lịch sử. Để so sánh, lượng bom mà Mỹ ném xuống Đức trong Thế chiến 2 là 1,6 triệu tấn. Về hải quân, thường xuyên có từ 2 đến 4 tàu sân bay Mỹ trực chiến ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Mỗi tàu sân bay có khoảng 70-90 máy bay, hàng ngày xuất kích bắn phá Việt Nam trong khoảng thời gian 1964 - 1973. Cần phải kể đến các căn cứ không quân cho B52 ở Thái Lan, Guam, căn cứ không quân và hải quân ở Philippines, tất cả đều tham gia đánh phá Việt Nam. Rồi lại còn sự tham gia trực tiếp của quân đội Nam Triều Tiên với hơn 300.000 binh sĩ nổi tiếng là thiện chiến và tàn bạo. Với lực lượng quân sự vượt trội như vậy, Mỹ tưởng rằng sẽ tiêu diệt quân Giải phóng và bộ đội Bắc Việt Nam nhiều tới mức sẽ không thể bù đắp, sẽ kiệt quệ và sẽ phải đầu hàng. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Mỹ đã tính toán mọi thứ rất giỏi. Nhưng có một điều - mà lại là điều quan trọng nhất - mà Mỹ không tính tới. Đó là sự chịu đựng và hy sinh không bờ bến của quân Giải Phóng và bộ đội Bắc Việt và nhân dân Việt Nam. Lúc đầu thì nhiều binh lính Mỹ cũng hăng hái đi Việt Nam lắm. Dân Mỹ thì không phản đối cuộc chiến này. Nhưng rồi, số lính Mỹ chết và bị thương tăng lên quá nhiều. Dân Mỹ không hiểu tại sao con em họ phải chết trong những khu rừng nhiệt đới xa xôi. Và họ phản đối quyết liệt. Chính Quốc hội đã thông qua quyết định ném bom Bắc Việt Nam. Nhưng rồi Quốc hội Mỹ cũng buộc phải đồng tình với dân Mỹ và phản đối chiến tranh. Kết quả là chính quyền Mỹ phải dừng cuộc chiến, ký Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam đầu năm 1973. Cuộc chiến tranh ở Ucraina vẫn đang tiếp diễn và rất khó để đoán trước được điều gì. Tuy nhiên, có cơ sở để tin rằng, dù phải chịu thêm vô vàn gian khó, nhưng với quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ thì cuối cùng, cũng như Việt Nam, Ucraina sẽ vượt qua tất cả. Có thể Ucraina sẽ phải tiến hành một cuộc kháng chiến lâu dài cho đến khi nguồn lực và tinh thần của Nga sẽ kiệt quệ đến mức chính quyền Nga phải chấm dứt chiến tranh.


Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2025

Sự sụp đổ của Israel?

 Cuộc chiến tranh bắt đầu ngày 13/6/2025 kéo dài gần hai tuần lễ giữa Israel và Iran có vẻ như đã dừng lại. Israel đã dùng máy bay còn Iran thì tên lửa bắn phá nhau ác liệt. Cả hai đều chịu nhiều chết chóc và tàn phá nặng nề. Nhưng cả hai đều tuyên bố chiến thắng! Điều này không khó hiểu bởi cuộc chiến bom đạn nào cũng thường kèm theo chiến tranh thông tin và tâm lý. Nhưng có một vài điều chưa từng xảy ra mà nhiều người nhận thấy rõ. Người ta hầu như đã quen với một điều tất yếu trong hàng chục năm qua là Israel luôn là bên thắng cuộc trong mọi cuộc xung đột với các nước Hồi giáo xung quanh. Cuộc chiến gần đây nhất với lực lượng Hamas ở dải Gaza cũng vẫn không là ngoại lệ dù Hamas tấn công bất ngờ sau nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng. Hamas gần như bị quân đội Israel đập tan, còn dải Gaza biến thành một đống đổ nát khổng lồ với hàng triệu người không nhà cửa sống lay lắt qua ngày bằng đồ cứu trợ ít ỏi mà họ phải cố giành giật hàng ngày. Trước ngày 13/6 không ai có thể tưởng tượng ra rằng nhiều khu phố ở các thành phố lớn tráng lệ của Israel như Tel Aviv hay Haifa bây giờ trông cũng không khác những đống đổ nát ở Gaza nhiều lắm. Trước ngày 13/6 vừa rồi, không ai có thể nghĩ rằng hệ thống phòng không "Vòm Sắt" - sử dụng những công nghệ hiện đại nhất và đắt đỏ nhất, là niềm tự hào của Israel rằng không tên lửa nào có thể vượt qua được - lại bị tên lửa của Iran xuyên thủng, dù vẫn chặn được khá nhiều. Dù Israel ngăn chặn việc phát tán các hình ảnh về cuộc tấn công của Iran và sự thiệt hại của Israel vẫn chưa được đánh giá đầy đủ nhưng những tin tức có được và những đánh giá sơ bộ từ những nguồn uy tín vẫn cho thấy rằng một Israel luôn "bất khả chiến bại" lần đầu tiên dường như đã gục ngã trước sức mạnh của Iran. Có thể nói rằng huyền thoại về sức mạnh vô địch của Israel đã sụp đổ. Cuộc "Hán Sở tranh hùng" của hai bên vẫn còn tiếp diễn phức tạp. Việc phân định ai thắng ai thua vẫn là chủ đề tranh cãi. Tuy nhiên, trong nhận thức mới của thế giới, Israel không còn đủ uy tín và sức mạnh để tiếp tục đóng vai trò "ông trùm", kẻ bắt nạt và bá quyền ở Trung Đông nữa. Có lẽ đây là cơ hội cho các nước Hồi giáo ở khu vực này đứng lên, đoàn kết lại, với sự hỗ trợ của một nước Iran Hồi giáo hùng mạnh để được sống đàng hoàng, có nhân phẩm và tự do theo đuổi những giá trị của mình. Còn Israel có thể đã học được một bài học có lẽ là "bổ ích" nhất từ khi lập quốc đến nay. Hy vọng là họ sẽ cố gắng sống hòa bình hơn, cư xử tử tế hơn với các nước láng giềng. Chắc là dân Israel sẽ không muốn những trận mưa tên lửa sẽ lại giáng xuống đầu họ một lần nữa.

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2025

Chiến Tranh Iran - Israel

Lò lửa chiến tranh Nga - Ucraina vẫn còn đang cháy rừng rực thì một đám cháy lớn khác lại vừa mới bùng phát. Đó là cuộc xung đột Iran - Israel. Iran là một nước lớn ở vùng Trung Đông. Dưới thời vua Palavi, Iran thân Phương Tây. Cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 đảo lộn tất cả. Iran trở thành một nước Hồi giáo chống Mỹ và những nước theo Mỹ - đặc biệt là Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ và có vị trí địa lý chiến lược nằm ngay giữa các nước Hồi giáo Ả rập ở xung quanh. Người Do Thái có gốc gác từ xa xưa ở vùng Trung Đông. Tuy nhiên từ nhiều thế kỷ trước, họ đã rời bỏ Trung Đông, đến sống rải rác khắp nơi và nhiều nhất là ở Châu Âu. Israel nhà nước đầu tiên của người Do Thái thời hiện đại và chỉ mới được thành lập sau Thế chiến 2 ít lâu.Tuy nhiên, nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra giữa Israel với các nước Hồi giáo Ả rập xung quanh. Mỗi cuộc chiến tranh là Israel lại chiếm thêm lãnh thổ của các nước láng giềng. Palestine là nước bị mất nhiều đất nhất. Dân Palestine bị áp bức tàn bạo ngay trên đất nước mình. Các nước Ả rập xung quanh rất khó chịu với Israel, một "kẻ ngoại đạo" bỗng nhiên xuất hiện, chiếm đất của họ và luôn hành xử hung hăng ngang ngược. Nhưng Israel rất mạnh về quân sự với sự hỗ trợ lớn của Mỹ, gần như vô điều kiện trong rất nhiều năm. Đơn giản là vì Israel là cánh tay nối dài của Mỹ để bảo đảm sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông, một khu vực gần như là quan trọng nhất với Mỹ. Còn Israel cần sự hỗ trợ mạnh của Mỹ để tồn tại giữa một thế giới Hồi giáo Ả rập thù địch. Các nước Ả rập Hồi giáo xung quanh không đủ sức mạnh và lại còn thiếu đoàn kết để chống lại Israel. Vì thế họ buộc phải nhẫn nhịn chịu đựng và thoả hiệp với sự "bắt nạt" của Israel trong hàng chục năm qua. Nhưng Iran thì kiên quyết không chấp nhận sự áp bức của Israel. Iran coi Israel là kẻ chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ của Palestine, là kẻ thù "không đội Trời chung" của Hồi Giáo. Iran nhiều lần tuyên bố rằng nhà nước Israel không có quyền tồn tại. Iran hỗ trợ các nhóm vũ trang như Hezbola và Hamas để chống Israel. Iran phát triển nhiều hệ thống tên lửa hiện đại. Đặc biệt là chương trình hạt nhân mà Iran tuyên bố là để phục vụ mục đích hòa bình còn Israel cho rằng Iran đang tiến gần tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Đó là điều đe doa sự sống còn của Israel. Và Israel đã quyết định ra tay trước. Cách đây vài ngày, Israel bất ngờ cho hàng trăm máy bay tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran và các nhân sự chủ chốt về quân sự và khoa học hạt nhân của Iran. Iran bị bất ngờ và phải chịu một số thiệt hại lớn. Tuy nhiên, Iran đã nhanh chóng đáp trả mạnh mẽ. Các tên lửa của Iran dù bị đánh chặn nhiều nhưng một số vẫn vượt qua và xuyên thủng lá chắn "không thể vượt qua" của Israel. Khó đánh giá được mức độ thiệt hại của Israel. Một số nguồn tin cho rằng chúng khá là nghiêm trọng. Người nước ngoài và cả dân Israel bắt đầu tìm cách thoát khỏi vùng chiến sự. Tin tức cho thấy quân đội Mỹ dường như đang chuẩn bị để sẵn sàng tham chiến. Tuy nhiên tổng thống Mỹ vẫn chưa quyết định "nhảy vào". Có thể ông ta đang chơi chiến thuật "tọa sơn quan hổ đấu": Để cho Israel và Iran triệt hạ nhau trước rồi sau đó sẽ "tùy cơ ứng biến". Mỹ cũng đã từng để mặc cho Liên Bang Xô viết một mình chống lại cuộc tấn công của Đức Quốc xã. Mãi đến khi Đức Quốc xã bắt đầu suy yếu, Mỹ mới vội và nhảy vào! Tình hình hiện tại hết sức căng thẳng và khó đoán. Điều bất ngờ nhất là sức mạnh của tên lửa Iran. Có quá nhiều bên quan tâm đến cuộc chiến này. Không thể loại trừ điều gì, kể cả sự sụp đổ của Israel hay Iran hoăc chiến tranh thế giới thứ 3.

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2025

Bản danh sách của Putin

BBC vừa mới công bố trên Youtube một bản danh sách đặc biệt. Đó là danh sách những quân nhân Nga đã tử vong trong cuộc chiến tranh xâm lược Ucraina từ đầu năm 2022 đến khoảng cuối năm 2024. Bản danh sách có tên đầy đủ, quê quán và ngày chết của từng người trong tổng số gần 95.000 người. Họ đến từ khắp các vùng miền nước Nga. Theo con số của Ucraina cũng vừa mới công bố thì sau hơn 1.200 ngày xâm lược Ucraina, Nga đã mất hơn 1.000.000 (một triệu) quân. Quả là một thành tích phi thường của "Putin Đại Đế". Đấy là mới chỉ nói phía Nga, mà mới chỉ là một phần của những khổ đau mà dân Nga phải chịu đựng. Đấy là chưa nói tới những chết chóc, tàn phá, đau thương vô bờ bến mà Ucraina phải chịu đựng trong suốt mấy năm qua. Nhưng "bản danh sách của Putin" vẫn đang tiếp tục kéo dài và chưa biết bao giờ dừng lại. Gần đây, tổng thống Zelensky có nói rằng Putin chỉ hiểu được một ngôn ngữ - đó là ngôn ngữ của sức mạnh. Putin sẽ "chiến tranh đến cùng" cho đến khi bị buộc phải dừng lại bởi sức mạnh của cuộc chiến đấu cho cho độc lập tự do, cho sự sống còn của người Ucraina với sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới và hy vọng sẽ của cả chính nhân dân Nga - những người sớm muộn sẽ nhận ra rằng họ đang hy sinh để phục vụ cho những mục đích ích kỷ và tàn bạo của chính quyền Nga hiện nay. Đại thi hào Nga Pushkin đã từng viết trong bối cảnh một nước Nga chuyên chính tàn bạo khi đó rằng " Nước Nga sẽ tỉnh giấc và sẽ đứng dậy". Đó là một tiên đoán đúng khi đó và sẽ vẫn đúng hiện nay.

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2025

Điện Biên Phủ trên không 2.0 ?

 Mấy hôm nay, truyền thông thế giới sôi sục về sự kiện Ucraina vừa phá hủy tới một phần ba lực lượng không quân chiến lược - những "pháo đài bay" - của Nga. Đó là những máy bay siêu lớn dùng để mang vũ khí hạt nhân, tương đương với B-52 của Mỹ. Nga đã dùng những máy bay này suốt mấy năm nay để bắn phá Ucraina. Các chuyên gia quân sự ở khắp nơi còn đang "soi" kỹ các video - do Ucraina cung cấp - và ảnh vệ tinh để kiểm đếm xem thực sự mức độ thiệt hại của Nga. Cho đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng đã có ít nhất 11 máy bay bị phá hủy. Con số có thể tăng lên khi có thêm bằng chứng. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn ở vài điều. Đó là cách đánh. Ucraina đã giấu hàng trăm drone cỡ nhỏ mang theo chất nổ trong các xe tải container. Những chiếc xe tải như thế chạy khắp các con đường ở Nga. Những chiếc xe này được lái tới các địa điểm được xác định trước. Đó là những nơi sát các sân bay quân sự giành riêng cho những máy bay chiến lược như Tu 95. Những sân bay này nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách Ucraina hàng ngàn km. Có lẽ Nga đã tin rằng tên lửa hay drone tầm xa của Ucraina không thể nào bay tới được. Khi những chiếc xe tải kia đến vị trí xác định, nóc xe được mở tự động ra và các drone -đã được lập trình và có khả năng nhận dạng mục tiêu bằng AI -bay lên và nhanh chóng tiếp cận các máy bay đỗ thành hàng dài ở sân bay. Các Drone - cảm tử lao vào máy bay và cứ thế phá hủy từng chiếc một mà không gặp trở ngại nào. Phía Ucraina công bố con số thiệt hại là 41 máy bay, trị giá tới 7 tỷ USD. Nhưng có lẽ điều nguy hiểm "chết người" với Nga không chỉ là số máy bay hay số tiền mà còn là một vấn đề khác. Đó là Nga không có khả năng bù đắp số máy bay mất đi dù có bỏ ra bao nhiêu tiền đi nữa. Nga không còn khả năng chế tạo những máy bay đó từ khi Liên Bang Xô viết tan rã. Ucraina đã có một trận đánh lớn lịch sử gây được thiệt hại tầm chiến lược cho quân xâm lược mà không cần dùng những sư đoàn quân đông nghịt, những đoàn xe tăng đông như kiến, những dàn tên lửa to lớn đắt tiền hay những phi đội máy bay chiến đấu đông đảo. Trí tuệ sáng tạo, trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại và quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của Ucraina đã thay thế tất cả những điều đó. Đó là cách đánh kiểu "du kích". Người Việt Nam còn gọi chiến thuật đó là "đặc công". Đó là cách một nước nhỏ và yếu hơn về vũ khí chống lại một nước lớn có vũ khí nhiều hơn và hiện đại hơn. Một số bình luận viên quân sự của Nga đã ví chiến dịch Mạng Nhện - tên chiến dịch do Ucraina đặt - là một Trân Châu Cảng của Nga. Có lẽ còn có thể gọi chiến dịch Mạng Nhện này là một "Điện Biên Phủ trên không" phiên bản Ucraina. Đó là cách Việt Nam gọi chiến dịch Linebacker 2 của không quân chiến lược Mỹ ném bom Hà Nội cuối tháng 12.1972. Theo số liệu của Mỹ thì có tới 15 chiếc B-52 bị lực lượng phòng không Bắc Việt Nam bắn rơi. 

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2025

Tháng Sáu

Gần nửa năm mới đã trôi vèo 

Đời người ngắn ngủi được bao nhiêu 

Chạy quẩn chạy quanh làm sao thoát ?

Thân phận người ta nghĩ buồn thiu


Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2025

Điều giản dị

Bạn đang làm gì?

Có phải đang thở không?

Bạn có thấy biết ơn

Dưỡng khí?

Có khi nào bạn nghĩ 

Điều giản dị ấy không?

Và thầm biết ơn 

Trời Đất?

Đừng hỏi Trời

Trời Đất năm nay có lạ không?

Giữa Hè mà lại có mùa Đông ?

Gió mưa lành lạnh trùm chăn kín? 

Ấm trà nóng bỏng có khoái không?

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2025

Giải pháp cuối cùng

Xưa kia , đa số các nước, các dân tộc ở khắp nơi trên thế giới đều nghèo hèn và bị một số nước công nghiệp phát triển sớm hơn - thường gọi là đế quốc, thực dân - xâm chiếm, đàn áp, bóc lột và khinh miệt. Nhưng dần dần, các dân tộc nghèo hèn kia thoát khỏi sự áp bức bóc lột. Một số thậm chí còn vượt lên trở thành những quốc gia giàu mạnh. Một số những nước "đế quốc - thực dân" không vui vì điều này, dù họ vẫn thường rao giảng về dân chủ, tự do, nhân quyền, tự do thương mại. Có nước còn lo ngại rằng cái "ngôi bá chủ" của họ có thể bị lung lay, thậm chí sụp đổ. Và thế là họ tìm mọi cách để ngăn cản các nước "đang phát triển" kia. Đầu tiên là hàng rào thuế quan để "bóp nghẹt" kinh tế. Sau đó sẽ là các biện pháp khác. Và cuối cùng  nêú mọi cách đều không xong thì có thể họ sẽ dùng "giải pháp cuối cùng":  Chiến tranh. 

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2025

Give Peace a Chance

Truyền thông thế giới đưa tin về tuyên bố của tổng thống Zelensky rằng ông sẽ chờ để gặp Putin vào ngày 15.5 tới ở Istanbul. Không đi sâu vào chi tiết vì mọi chuyện đều quá phức tạp và mọi đồn đoán đều có thể sai, nhất là lại liên quan đến một người khó đoán nhất là ô. Putin. Nhưng chiến tranh đã 3 năm rồi. Chết chóc khổ đau đã quá nhiều rồi. Cho nên nếu có cơ hội hoà bình nào, dù chỉ là một chút mong manh thì vẫn nên ủng hộ và hy vọng. Năm 1969, khi mà chiến tranh Việt Nam còn đang ở thời điểm ác liệt nhất với sự hiện diện của hơn nửa triệu quân Mỹ ở Nam Việt Nam, John Lennon đã từng hy vọng như thế khi cho ra đời bài hát "Give peace a chance" - tạm dịch là "Hãy cho hòa bình một cơ hội". Đó không chỉ là nguyện vọng của hàng chục triệu người Ucraina, mà còn là của nhân dân Nga, Châu Âu và toàn thể giới. Đơn giản là trong mọi cuộc chiến tranh, bất luận bên nào thắng cuộc, cuối cùng thì nhân dân vẫn là bên thua cuộc.

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2025

Diễu binh ngày 9.5

Ngày mai 9 tháng 5 ở thủ đô Moscow sẽ diễn ra một ngày lễ lớn. Đó là đại lễ kỷ niệm 80 năm ngày Chiến thắng Phát xít Đức. Sự kiện quan trọng nhất của lễ kỷ niệm này là một cuộc diễu binh lớn với sự tham gia của các lực lượng vũ trang và vũ khí hiện đại. Những cuộc trình diễn quân sự hoành tráng như thế vẫn được tổ chức hàng năm trong suốt 80 năm qua. Thông điệp của những cuộc biểu dương lực lượng quân sự hùng hậu có thể được hiểu là: Liên Xô - và từ sau 1991 là Nga - là những quốc gia yêu hòa bình và có đủ sức mạnh để bảo vệ hòa bình. Điều trớ trêu cả thế giới thấy rõ đã hơn 3 năm qua là Nga đã dùng sức mạnh quân sự to lớn đó của mình để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo một nước láng giềng. Càng trớ trêu hơn là nước đó lại là Ucraina. Đó là nước anh em với Nga và Belarus, có cùng tổ tiên xuất xứ từ Kievan Rus - Kiev ngày nay - từ thế kỷ thứ 9. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945, Ucraina kề vai sát cánh với nước Nga anh em và đã có những đóng góp cực kỳ to lớn có tính quyết định vào việc đập tan cuộc xâm lược của Đức Quốc xã và chịu đựng những hy sinh vô bờ bến trong cuộc chiến đấu đó. Hàng chục năm sau chiến tranh, người Ucraina lại tiếp tục góp phần xây dựng nên siêu cường Liên Xô. Nhưng từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ucraina trở thành một trong những nước độc lập mới. Nói theo kiểu ca dao thì đó là:

Anh đi đàng anh, tôi đàng tôi

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi

Nhưng nước Nga do Putin lãnh đạo không thích con đường Ucraina lựa chọn. Họ muốn ép buộc Ucraina phải từ bỏ quyền tự quyết, phải đi theo và làm "chư hầu" cho nước Nga. Đó là điều mà dân Ucraina không thể chấp nhận. Cũng như Việt Nam, người Ucraina tin rằng "không có gì quí hơn độc lập và tự do". Và thế là cái quân đội hàng năm vẫn diễu binh ở Quảng trường Đỏ ở Moscow để "bảo vệ hòa bình" trở thành một đội quân xâm lược như Đức Quốc xã hồi xưa vậy. Cho nên nước Nga ngày nay dưới sự trị vì độc tài của Putin không kế thừa và tiếp nối di sản vinh quang của cha ông họ thời Thế Chiến 2. Thậm chí họ đã hoàn toàn phản bội lại tinh thần chính nghĩa đó. Có thể nói rằng Putin đã lợi dụng hy sinh xương máu của hàng triệu người Nga, Ucraina Belarus và các dân tộc khác trong Liên Bang Xô viết cho mục đích ích kỷ của mình: Nắm giữ quyền lực tối cao và vô hạn. Putin đã lừa dối dân Nga và thế giới trong đó có nhiều người Việt Nam vốn yêu mến và biết ơn Liên Xô rằng ông ta đang gìn giữ và nối tiếp truyền thống của Liên Xô và cuộc chiến tranh xâm lược Ucraina là nối tiếp cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ tổ quốc chống lại Đức Quốc xã. Hơn ba năm qua , gần một triệu binh lính Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang Nga đã chết trận hoặc bị thương vì sự lừa dối trắng trợn đó. Còn người Ucraina thì vẫn như cha ông mình thời Chiến tranh Vệ quốc, suốt ba năm qua vẫn dũng cảm chiến đấu chống quân xâm lược Nga dù phải chịu đựng những tổn thất và hy sinh to lớn. Trước một đội quân xâm lược mạnh gấp bội, Ucraina không chỉ vẫn đứng vững mà còn phản công mạnh mẽ vào các cơ sở quân sự và xí nghiệp phục vụ chiến tranh ở sâu trong lãnh thổ Nga. Sự kiện lớn ở Moscow ngày mai - 9.5.2025 - tập trung nhiều lực lượng quân đội và vũ khí - và vì thế Ucraina coi đó là một mục tiêu quân sự. Đã là mục tiêu quân sự phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nga thì Ucraina không loại trừ khả năng là nó sẽ bị tấn công. Do đó Ucraina đã khuyến cáo các lãnh đạo và đoàn nước ngoài không nên đến Moscow vào dịp này. Mấy ngày qua đã có hàng trăm drones của Ucraina tấn công vào nhiều mục tiêu quân sự ở Nga. Hoạt động của hàng chục sân bay Nga bị gián đoạn. Nhiều chuyến bay bị chậm hoặc hủy. Hàng ngàn hành khách phải "vạ vật" ở sân bay, thậm chí không có cả đồ ăn và nước uống. Không ai biết ngày mai - mùng 9.5 - có xảy ra một cuộc tấn công nào của Ucraina vào Moscow hay thậm chí vào Quảng trường đỏ, ngay trong lúc buổi lễ đang diễn ra không.Hoặc cũng có thể xảy ra những cuộc tấn công lớn vào những mục tiêu quân sự quan trọng khác. Kẻ đi gây chiến tranh thì không thể yên ổn ngồi đấy mà hưởng hòa bình được. Vừa rồi trên mạng xã hội có lan truyền tin tức về một người đứng trên một cái cầu ở Moscow và mang một tấm biểu ngữ lớn có dòng chữ Putin = Hitler. Có lẽ cũng có nhiều người Nga cũng nghĩ như thế. Giống như Hitler, Putin gây ra chiến tranh xâm lược thì cuối cùng sẽ có kết cục như Hitler vậy. Hy vọng rằng thời đại Putin sẽ sớm kết thúc. Nước Nga sẽ dần dần bình thường hóa quan hệ với Ucraina, Châu Âu và thế giới và sẽ trở lại vị thế xứng đáng của mình.

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2025

Lại nghĩ về Chiến Tranh và Hòa bình

Việt Nam vừa mới tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước 30.4.1975 và chuyển sang thời kỳ hòa bình, phát triển và phồn vinh với những mục tiêu đầy tham vọng. Trong lúc đó thì ở Châu Âu, một không khí không mấy vui vẻ từ cuộc chiến tranh tàn khốc ở Ucraina vẫn đang bao trùm suốt mấy năm nay. Châu Âu được bình yên và giàu có suốt từ sau Thế Chiến 2 một phần quan trọng là nhờ vào cái "ô an ninh" của Mỹ che chở. Thế nhưng không có gì là mãi mãi cả. Vị tổng thống Mỹ đương nhiệm có quan điểm khác về nhiều thứ. Ông ta cho rằng Châu Âu phải tự bảo đảm an ninh. Trước một nước Nga siêu cường quân sự với vũ khí hạt nhân, đang đánh phá Ucraina tàn bạo và vẫn đe dọa rằng sẽ không dừng lại, câu hỏi lớn là Châu Âu phải làm gì? Họ bỗng nhiên hiểu ra rằng vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là môi trường hay các thứ khác mà là làm sao có thể bảo đảm an ninh trước một nước Nga hùng mạnh và hung hăng như thế. Châu Âu có rất ít lựa chọn. Và chiến lược đang được lựa chọn không mới: Muốn hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh! Các nước chủ chốt của Châu Âu như Đức, Pháp, Ba lan đã bắt đầu những kế hoạch tái vũ trang to lớn. Xuất hiện những video game mường tượng cuộc tấn công của Nga vào các nước Baltic và các nước khác. Thậm chí có cả những giả định về Chiến tranh thế giới 3 với số người chết lên đến hàng tỷ. Có tin đồn trên mạng là Việt Nam đang chuẩn bị mua một lô tiêm kích F-16 của Mỹ trị giá hàng tỷ Đô la. Có lẽ Việt Nam là một trong những nước thấm thía nhất cái triết lý bảo vệ hòa bình nói trên. Lịch sử loài người là lịch sử của những cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Chúng nhiều tới mức không ai có thể nhớ hết được. Có người từng nói rằng hòa bình chỉ là "giải lao" giữa các cuộc chiến tranh. Tình hình ở Châu Âu đang diễn ra như thế. Liệu Việt Nam có là ngoại lệ không? Với những căng thẳng về chủ quyền đang diễn ra bấy lâu nay ở Biển Đông thì không ai có thể chắc điều gì cả.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Làm sao để sống sót?

Trong lúc chiến tranh giữa Nga - siêu cường quân sự với vũ khí hạt nhân - với Ucraina - một cường quốc quân sự tầm trung với sự hỗ trợ lớn từ Mỹ và Châu Âu - còn đang diễn ra tàn khốc đã hơn 3 năm chưa biết bao giờ sẽ kết thúc thì lại vừa mới bùng nổ một cuộc chiến mới. Đó là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và hầu như toàn thế giới và đặc biệt là nhằm vào Trung Quốc. Thế giới chao đảo và hỗn loạn vì những đòn thuế tàn bạo từ nền kinh tế khổng lồ chiếm tới 25 phần trăm GDP của toàn thế giới. Các nước lớn như Trung Quốc, Nhật và khối EU thì tìm cách trả đũa. Phần lớn các nước nhỏ thì chỉ biết "chịu đòn" và cố tìm cách đàm phán với hy vọng mong manh là sẽ làm nhẹ bớt được phần nào. Không ai biết cuộc chiến này sẽ đi tới đâu, khi nào kết thúc và hậu quả sẽ là gì. Nhưng có một điều khá chắc chắn. Đó là sẽ chẳng ai thắng cuộc cả. Ngay cả Mỹ cũng bắt đầu phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng. Thị trường chứng khoán lao dốc. Các nước bán tháo hàng ngàn tỷ trái phiếu chính phủ Mỹ. Dân Mỹ bắt đầu lo tích trữ mọi thứ. Một giáo sư kinh tế Mỹ có tiếng nói rằng nếu Trump là sinh viên thì ông sẽ "đánh trượt" vì "quá dốt". Nhưng Trump là chính trị gia và là một người khó đoán. Không ai biết ông ta thực sự muốn gì. Cả thế giới và nước Mỹ đều đang trong vòng nguy hiểm. Trong một tình thế hỗn loạn và khó lường như thế thì câu nói của người xưa "khôn sống, mống chết" là cách phù hợp để sống sót.

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

Thần Tự Do

Cả thế giới đang chứng kiến một cuộc trình diễn lớn của nước Mỹ: 1 người - đó là ông Tổng thống - chống lại 1 triệu người - đó là những cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người dân Mỹ ở tất cả 50 bang nước Mỹ, hiện đang diễn ra và rất có thể sẽ tiếp tục và lớn hơn nữa. Điều khác biệt lớn, đó là sự xuống đường tự nguyện của những người dân thường chứ không phải do những đảng phái, phe nhóm hay cá nhân nào dẫn dắt. Người dân thường ít quan tâm đến chính trị. Cái họ quan tâm là "Bread and Butter", mà dân Việt Nam thường gọi là " Cơm áo gạo tiền". Các chính trị gia, kinh tế gia hay nhà báo có tranh luận gì dân thường cũng ít quan tâm. Nhưng khi chính quyền đụng đến bát cơm manh áo của họ thì vấn đề không phải là của tầng lớp "tinh hoa" trên TV nữa. Đó sẽ là vấn đề của hàng triệu người mà chính quyền phải giải quyết. Chúng ta sẽ chờ xem "ai thắng ai" trong cuộc đấu tranh này. Gần đây có chuyện một chính khách Pháp lên tiếng đòi Mỹ trả lại tượng Thần Tự Do mà Pháp tặng Mỹ khi xưa vì cho là hiện nay Mỹ không còn là biểu tượng của giá trị đó nữa. Nền dân chủ của Mỹ đang lung lay và có thể sụp đổ nếu dân Mỹ không thể thay đổi những chính sách "hại nước hại dân" của chính quyền hiện tại.

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

Chăn cừu thời AI

Tổng thống Mỹ có vẻ như đang khuấy đảo nước Mỹ và thế giới và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nước Mỹ và thế giới. Thực ra câu chuyện một người lãnh đạo tối cao của một nước lớn có thể gây ra những tàn phá cực kỳ nghiêm trọng cho thế giới và cho nước mình không phải là điều mới. Thế giới đã thấy Hitler gây ra cuộc chiến tranh thảm khốc nhất lịch sử loài người với cái chết của hàng trăm triệu người. Mao sau khi đã gây ra nạn đói làm chết hàng chục triệu người trong thời kỳ "Đại Nhảy Vọt" lại tiếp tục gây ra cuộc "Cách mạng văn hóa vô sản" 1966 - 1976 , đưa Trung Quốc vào một thời kỳ hỗn loạn và tàn phá bậc nhất lịch sử. Khi đó, Trung Quốc hầu như đã bị dìm xuống tận đáy và không còn con đường nào khác ngoài việc phải "ngoi lên" để sống sót. Và khi đó bắt đầu sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Cho nên dù cho người ta có nói rằng "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" thì lịch sử dường như chỉ ra điều khác. Chính những cá nhân như Hitler, Stalin, Mao, Đặng Tiểu Bình đã làm cho lịch sử đi theo những hướng mà chúng ta đã thấy. Phải chăng quần chúng ngày nay vẫn chỉ là những "đàn cừu" và vẫn chịu sự dẫn dắt của những "kẻ chăn cừu" thời hiện đại?

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2025

Tư bản ngày nay

Mới chỉ có chưa đầy một tháng từ khi lên cầm quyền, ban lãnh đạo mới của Mỹ đang làm lộ dần ra một bộ mặt "xấu xí" của mình: ích kỷ, tham lam, trịch thượng, hung hăng , tráo trở và vô đạo đức. Thế giới đang chứng kiến một nước lớn cậy khỏe cậy giàu đang áp đặt "luật rừng" lên một số nước nhỏ yếu hơn và lại còn đang gặp nạn. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, người ta bắt đầu nghi ngờ những gì Karl Marx và Lenin đã viết về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Ban lãnh đạo Mỹ sẽ còn gây ra những tổn hại gì nữa thì còn phải chờ xem. Nhưng ít nhất thì ở thời điểm hiện tại, họ dường như đã "giúp" chứng minh rằng Marx và Lenin vẫn còn đúng với thời đại bây giờ. Tư bản và đế quốc ngày nay có khác xưa về hình thức nhưng bản chất của chúng thì hầu như không thay đổi.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2025

Ai thắng? Ai thua?

Khi một"cuộc chơi địa chính trị" bắt đầu, đa số chúng ta - thường dân của những nước nhỏ - thường bị cuốn vào việc ủng hộ bên này hay bên kia. Có thể một số lãnh đạo của các nước nhỏ cũng biết mình chỉ là "con tốt" trong trò chơi đó. Nhưng "lực bất tòng tâm", họ biết làm gì? Đến khi "cờ tàn" , mọi người bắt đầu hiểu ra "câu chuyện" thì thường là đã quá muộn. Thế giới có lẽ vẫn chỉ là "ván cờ"  của các siêu cường trong cuộc cạnh tranh "ai là bá chủ thế giới" ? Liệu mọi từ ngữ "to lớn và hoa mỹ" mà dân chúng thường nghe qua truyền thông và nhiều khi cảm thấy khá "tâm đắc" có khi chỉ là những "trò lừa" tinh vi? Có một điều có thể dân thường vẫn biết mà không làm gì được:  Họ luôn là bên thua cuộc.

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

Trời có phù hộ?

 Bạn có"cầu Trời khấn Phật" không? Rồi thì đốt một mớ "tiền giả" để mong Trời giúp bạn? Bạn có biết rằng có hàng tỷ người cũng đang làm thế không? Mà có khi lại còn "chăm chỉ " hơn nữa kia. Bạn nghĩ rằng bạn là ai mà Trời phải quan tâm hơn? Bạn nghĩ bạn "đặc biệt" hơn 7 tỷ người ngoài kia chăng? Bạn có nghĩ rằng Trời chỉ đơn giản làm "việc của Trời" không? 

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2025

Đám đông

"A gentleman must be calm under all circumstances".  Không nhớ nguồn gốc của câu nói tiếng Anh này. Hình như là ở trong một bài học tiếng Anh hồi xưa. Giữ được bình tĩnh là điều không dễ. Có thể bạn không phải là dạng người thường ngay lập tức"nhảy dựng " lên vì những chuyện"không đâu". Nhưng khi ở giữa một đám đông, có lẽ để giữ được mình không bị cuốn theo xu hướng "hot" nào đó là điều không dễ. Đám đông như là sóng biển. Phải là người mạnh mẽ và bản lĩnh lắm mới giữ được mình.

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2025

Ai có quyền?

Chính phủ mới của Mỹ đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì đã gây ra những phản ứng mạnh trong nước và trên thế giới. Đúng sai thế nào thì có lẽ phải cần thêm thời gian mới rõ được. Tuy nhiên, người ta có thể thấy cách nước Mỹ - quốc gia giàu mạnh và có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới hoạt động thế nào. Họ đã bầu ra tổng thống. Ông ta có được số phiếu bầu theo quy định sau khi ông ta thuyết phục được dân Mỹ về những gì ông ta sẽ làm nhằm "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" như xưa. Dân Mỹ đã trao cho tổng thống quyền lực lớn cùng ngân sách và phương tiện để thực hiện mục đích đề ra. Nhưng giữa lời nói và việc làm luôn có sự khác biệt. Đó có lẽ là bình thường vì "nói dễ làm khó" mà. Việc gì thì cũng luôn có người ủng hộ, kẻ phản đối vì không có cách gì để làm vừa lòng tất cả được. Ví dụ có sự phản đối việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp nhưng có vẻ như đa số không phản đối nên việc đó vẫn được tiếp tục. Về đối ngoại thì có sự phản đối dữ dội chống lại ý định mua đảo Greenland hay nhất là việc Mỹ sẽ "sở hữu" dải Gaza, chuyển gần hai triệu dân ở đó đi nơi khác và xây dựng vùng đất ấy thành một "Riviera của Trung Đông". Dân Mỹ cũng có lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, những việc như thế là "không thể chấp nhận được"đối với nước ngoài chứ dân Mỹ thì vẫn "ăn ngon ngủ yên" như thường. Họ có tâm lý "siêu cường" của "Đế Quốc Mỹ " mà. Cái gì áp đặt được lên nước khác mà dân Mỹ thấy "có lợi" thì họ không phản đối, thậm chí kể cả khi những việc đó bị coi là thiếu đạo đức hay vi phạm luật pháp quốc tế. Hay như việc chấm dứt hoạt động của USAID - cơ quan viện trợ Mỹ thì dân Mỹ có vẻ cũng "cho qua" vì họ có vẻ không biết rõ cơ quan này làm gì và không chắc là cái đó có lợi cho dân Mỹ, dù cho việc chấm dứt viện trợ này có thể bị coi là "tàn nhẫn và vô nhân đạo" đối với những người đang hưởng lợi. Tương tự như thế, việc "đụng đến " FBI và CIA cũng không gây ra phản ứng mạnh nào bởi những cơ quan này thường hoạt động trong "bóng tối " và không ai biết chúng tiêu hết bao nhiêu tiền. Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Khi người ta bắt đầu "đụng đến" kho bạc Mỹ và thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ như số an sinh xã hôi, tài khoản cá nhân, v.v. thì người Mỹ lập tức "nổi điên" lên, dù cho mục đích có thể là làm cho chi tiêu công "hợp lý" hơn. Các cuộc biểu tình phản đối nổ ra và có vẻ đang lan rộng. Cơ chế "hãm phanh" những hành động vượt quá "vạch đỏ" dường như đã được bật lên và bắt đầu có tác dụng. Sơ bộ thì có thể thấy rằng dù tổng thống - và đặc biệt là vị siêu bộ trưởng "hiệu quả chính phủ" - tỷ phú giàu và giỏi nhất thế giới - có quyền lực lớn đến đâu và sẽ làm gì đi nữa thì vẫn không thể làm những gì mà đa số dân Mỹ không thích và không cho phép.

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2025

Người ở đâu?

Đất nước xưa nghèo lắm 

Lặng lẽ ngồi đó 

Người gom góp từng tờ báo cũ 

Gói kỹ từng cái chăn bông 

Quá cũ không chống nổi những đêm đông 

triền miên lạnh lẽo 

Thức ăn vài đĩa bé tẹo 

Căn phòng chật chội dột nát 

Hè nóng như lửa đốt 

Đông lạnh lập cập hàm răng

Người vẫn bình thản như không 

Vô vàn mối lo

Cùng ai chia xẻ?

Quần áo sờn cũ quá 

Gạo thiếu, bữa đói bữa no 

Mong thời gian chóng trôi qua 

Biết đâu cuộc đời sẽ khác?

Rồi thời gian trôi qua thấm thoắt 

Cuộc đời đã đổi khác 

Người đang ở đâu?

Ngọn nến lung linh

như nhắc nhở 

Người chẳng ở đâu xa cả 

Người luôn ở trong ta

Mãi mãi 


Mợ mất ngày 9 tháng Giêng Âm lịch 



Thứ Tư, 5 tháng 2, 2025

Vài câu hỏi nhỏ

Bạn có thấy rằng có quá nhiều điều vô lý và bất công không? Bạn có nghĩ rằng bạn có thể hiểu được chúng không? Bạn có nghĩ rằng bạn có thể giải quyết được những vấn đề đó không? Bạn có nghĩ rằng bạn không nên mất thì giờ và đau đầu vì thế không? Có còn vài điều gì làm bạn vui không? Vậy tại sao lại không hướng vào những điều đó?

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

Nhàn cư

Có phải hồi nãy bạn nằm và lo lắng về một "vấn đề" gì đó không? Rồi bạn dậy, pha trà uống và xem tin tức mới nhất. Thế rồi bạn "quên mất " những vấn đề làm bạn lo lắng lúc nãy. Chúng đi đâu rồi? Mà chúng có thực sự là "vấn đề " mà bạn phải chú ý để giải quyết không? Hay đó chỉ là cái "trò chơi " - hay trò bịa đặt, nói dối, hay gọi là gì tùy bạn - do bộ não "quá thông minh" - hay gọi là ngu ngốc, hay bất trị, hay lừa đảo cũng không sai - của bạn tạo ra. Mà lại cứ liên tục như thế mới khổ thân chúng ta chứ. Có phải vì thế mà những nhà sư cứ liên tục "đọc kinh gõ mõ" không? Có phải họ làm thế để cho cái đầu của họ bận rộn, có việc mà làm, để khỏi nghĩ lung tung? Có phải người xưa đã nói: Nhàn cư vi bất thiện? 

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

Công dã tràng

Cổ Hy Lạp có chuyện một ông vua phạm tội nặng nên bị các thần trừng phạt. Ông ta phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi. Khi tảng đá gần lên đến đỉnh thì ông bị trượt tay và tảng đá lăn xuống chân núi. Thế là ông ta phải làm lại từ đầu và cứ thế lặp đi lặp lại mãi, cực kỳ khổ sở mà vẫn thất bại. Bạn thử nhìn quanh và nghĩ xem, có bao nhiêu người mà cuộc đời cũng "lên voi xuống chó" giống như ông vua kia? Ấy là nói về những người tạm gọi là"thành đạt " theo nghĩa là leo lên được chức vụ cao, danh tiếng lớn và có nhiều của cải tiền bạc. Nghĩ thêm một chút thì té ra, đó là câu chuyện về tất cả chúng ta. Cả đời bạn ra sức học hành thi cử. Khi làm việc thì mệt mỏi tranh đấu căng thẳng để lên lương lên chức. Thế rồi chưa "thành công" được bao nhiêu thì bắt đầu già yếu, bệnh tật. Cuối cùng thì điều không tránh khỏi sẽ xảy ra: Cái Chết. A, có phải là người Việt cũng đã nói về điều này từ lâu rồi không qua câu ca dao:

Dã tràng xe cát biển Đông 

Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì .

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

Nhiều hay ít?

Ai ai cũng cố sống tối đa

Danh vọng, bạc tiền đã mệt chưa?

Hay là trở về với tối thiểu?

Nhẹ nhàng thanh thản với Tự Do 

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

Bạn đã đoán đúng

"Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!". Đó là câu khẩu hiệu nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Trump. Ngày đầu tiên sau khi trở lại Nhà Trắng, Ô.Trump đã ngay lập tức hành động mạnh, như ký hàng loạt đạo luật, trục xuất hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp, v.v. Có lẽ nổi bật nhất là việc hàng loạt siêu tỷ phú công nghệ Mỹ vây quanh khi ông ký một đạo luật về sử dụng 500 tỷ đô la cho phát triển AI - trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực quan trọng nhất ngày nay mà Mỹ đang dẫn đầu. Mỹ muốn bảo đảm vị trí thống trị đó và không cho ai vượt qua. Wow! Nói theo kiểu ngày xưa là khi chữ ký của Ô. Trump còn "chưa ráo mực" thì ... Bùm!!! Một "vụ nổ hạt nhân" xảy ra ngay trên đất Mỹ. Mà lại "nổ" ngay ở Thị trường Chứng khoán New York - trái tim của Tư bản và Đế quốc Mỹ mới tàn bạo chứ. Tin sơ bộ là hầu như "ngay lập tức", 600 tỷ - phải, sáu trăm tỷ - đô la giá thị trường của gã "siêu khổng lồ " AI NVIDIA đã bị thổi bay . Đã có ngay người nhận trách nhiệm gây ra vụ"Big Bang " này. Đó là một start up nhỏ"vô danh tiểu tốt " từ Trung Quốc. Quả bom hạt nhân đó có tên là DeepSeek. Nói đơn giản thì đại khái đó là một công cụ tìm kiếm, sử dụng AI, tương tự như những công cụ như ChatGPT mà các siêu khổng lồ công nghệ Mỹ tạo ra. Cái khác cực lớn là chi phí. Mỹ đã tốn cả núi tiền. Cái "hàng Tàu" này thì chỉ mất một góc nhỏ của cái núi tiền kia. Bạn phải trả phí - không ít đâu - để được dùng "hàng Mỹ xịn". Còn cái "hàng Tàu dỏm" kia? Miễn phí nhá, xin mời. Mấy trăm tỷ chứng khoán"bốc hơi" kia mới chỉ là sơ sơ về tiền bạc thôi. Còn những hệ lụy khác có thể sẽ có tác động không hề nhỏ như vị thế dẫn đầu của Mỹ, an ninh quốc gia Mỹ, uy tín của các siêu khổng lồ công nghệ Mỹ, v.v thì phải ít lâu nữa người ta mới tính hết được. Không biết Ô. Trump có đang làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại không? Cái đó còn phải chờ xem. Thế nhưng ngay lúc này, có vẻ như có một nước khác đang "vĩ đại trở lại". Đó là??? Bạn đã đoán đúng: Trung Quốc.

Bình yên

Bạn muốn thế giới bình yên ư? Có lẽ điều đó là không thể, không bao giờ. Bạn muốn đất nước bạn bình yên ư? Bạn nghĩ nước bạn có thể bình an trong một thế giới luôn bất ổn và hỗn loạn? Bạn muốn gia đình bạn luôn được bình yên? Bạn có nghĩ nhà bạn cũng giống như thế giới, chỉ nhỏ hơn thôi. Thế giới thế nào thì nhà bạn cũng thế. Thế thì bạn sẽ nghĩ rằng quay về bản thân mình, vào "ngôi nhà riêng" của mình bạn, đóng cửa lại và sẽ được bình yên? Bạn có thấy rằng đó chỉ là ảo tưởng không? Bạn cũng không khác gì thế giới, luôn đầy mâu thuẫn và bất ổn. Bộ óc của bạn với hàng tỷ "nơ ron" không bao giờ nghỉ ngơi cả. Đó chính là nơi "sản xuất" ra đủ loại ý tưởng, chủ nghĩa, hành động và từ đó mới lan ra ngoài. Cho nên bạn là thế giới và thế giới là bạn. Bạn, tôi và tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm một phần nào đó về tất cả những vấn đề xảy ra trên thế giới.

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2025

Có hay không?

Đến một lúc nào đó, có thể bạn sẽ ngừng "chạy quanh chạy quẩn" để xem "ai cần bạn". Có thể, câu hỏi duy nhất quan trọng sẽ là: Bạn có cần bản thân mình không? Nếu có là đủ rồi.

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2025

Sáng sớm Mùng 1 Tết

Vắng lặng đầu năm thật thảnh thơi 

Tại sao cứ phải giống con thoi?

Chen chúc tranh giành chi cho khổ?

Có sướng hơn thư thái nghỉ ngơi?




Thứ Ba, 28 tháng 1, 2025

Lẩn thẩn cuối năm

Bạn có nghĩ ý nghĩa cuộc sống có lẽ chỉ là cảm nhận riêng của bạn trong một thế giới hỗn loạn, bất công và vô lý ? 

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2025

Chuyến tàu đêm

Tĩnh lặng mát trong bầu trời đêm 

Con tàu - Trái Đất vẫn chạy êm

Chạy mãi đi đâu? Không địa chỉ ?

Vũ Trụ mênh mang biết về đâu?

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Ai thống trị thế giới?

Tại sao những "gã khổng lồ" công nghệ - chủ các mạng xã hội lại "thành công" và giàu có khủng khiếp như vậy? Có phải vì họ đã biết cách khai thác một số điểm yếu - hay là tính xấu, hay gọi là gì tùy bạn - của hầu như tất cả chúng ta không? Có phải đó là thói háo danh, ưa nịnh, sự giả dối, lười biếng, tính yếu đuối dựa dẫm, hời hợt và nông cạn không? Có phải họ đã có thể làm giàu vô độ, trở nên siêu hùng mạnh và trở thành kẻ thống trị thế giới bằng cách "ăn cắp" thời gian và thông tin của hàng tỷ người? Có phải để chứa một khối lượng khổng lồ những của cải "đánh cắp" được đó mà gần đây, họ bỏ ra những số tiền cực kỳ lớn - hàng chục tỷ đô la - để xây những "trung tâm dữ liệu" không? Bạn có nghĩ rằng cuối cùng thì chính bạn - và tất cả mọi người cũng thế - đã vô tình cho phép điều đó không? Vậy thì ai phải chịu trách nhiệm?

Một chút vô thường

Bạn có nhớ rằng bạn đã từng là một đứa trẻ con, chạy tung tăng, háo hức mong đến Tết như thế nào không? Còn bây giờ bạn là ai? Hãy nhìn vào gương xem. Bạn có còn thích bản thân mình và thích Tết không? Hay là bạn chỉ mong cho Tết qua nhanh? Hay là bạn thậm chí còn muốn đi "trốn" Tết? Bạn nghĩ rằng cái gì đã thay đổi? Bạn đã thay đổi? Cuộc sống đã thay đổi? Hãy là tất cả đều đã thay đổi?

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Thời tiết xấu

Một nước nhỏ bị "kẹt" trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn. Nước ấy phải làm gì để "sống sót"? Có phải người xưa đã nói "khôn sống, mống chết" không?

Lại sắp Tết

Mặt Trời "mất tích " nhiều ngày nay 

Đất Trời mờ đục một màu mây

Mưa phùn lạnh buốt ngày mai tới?

Tết nhất mai kia biết có vui?

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Muộn vẫn hơn?

Có khi nào bạn nhận ra rằng có những điều quan trọng trong cuộc đời mà mãi bạn mới nhận ra không? Bạn có thấy rằng dù muộn nhưng vẫn còn hơn không bao giờ không?

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Làm gì hay không làm gì?

Bạn có khi nào cảm thấy "sốt ruột" vì cả ngày không làm được cái gì cả không? Bạn có nghĩ rằng chỉ cần bạn khỏe mạnh và vui vẻ là bạn đã "làm được" khá nhiều cho bản thân và những người xung quanh không?

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Cũng thường thôi

Vị tổng thống đương nhiệm "bỗng nhiên" ra lệnh "thiết quân luật". Dân lập tức ầm ầm phản đối. Quốc hội họp khẩn bãi bỏ cái lệnh đó. Tổng thống bị buộc từ chức, bị luận tội, bị bắt giam. Hiện ông ta đã phải mặc áo tù, bị biệt giam trong một cái "xà lim" 10m2, ngủ dưới sàn xi măng. Đại khái đó là những việc khác thường liên tiếp xảy ra ở Nam Hàn gần đây. Té ra Nam Hàn không chỉ là một cái tủ kính "bóng nhoáng" với những hotboys K-pop, hotgirls Black pink và công nghệ hiện đại. Nó cũng có những thứ tạm gọi là "đen tối" và "bẩn thỉu". Nhưng cả những thứ đó thì cũng thường thôi. Ở đâu cũng có thể như thế. Thậm chí có thể tệ hơn. Không có gì lạ và mới cả.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Lẩy Kiều

Truyện Kiều có câu:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ "

Trời Hà Nội hôm nay mờ đục, lạnh lẽo và ô nhiễm. Một bầu không khí khá buồn bã và ảm đạm. Cho nên cái câu Kiều trên hiểu ngược lại cũng vẫn đúng. Cảnh như thế thì người khó mà vui lắm.

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Đoán tương lai

Hồi bé đi học bạn có hay làm toán kiểu "xem đáp số" trước rồi mới làm toán cho ra đúng kết quả đó không? Té ra là "phương pháp" này được áp dụng khá rộng rãi trong các lĩnh vực khác. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ rồi mới xuất hiện các phân tích rất "hay ho" của các loại chuyên gia về những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ "tất yếu" đó. Trước đó thì chả thấy ai nói gì. Tương tự như vậy, sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam và Sài Gòn sụp đổ thì mới xuất hiện vô số các nghiên cứu và sách vở rất công phu về chiến tranh Việt Nam và nguyên nhân Mỹ thất bại. Trước đó thì có một chuyện khá hài hước thế này. Vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó vốn là một cựu quản lý cấp cao của một công ty lớn. Ông ta cho thu thập "hàng tấn" thông tin và dữ liệu về cuộc chiến. Sau đó một siêu máy tính điện tử được nạp tất cả những dữ liệu đó để trả lời câu hỏi "bao giờ thì Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam?". Bạn có đoán được câu trả lời mà "siêu máy tính " đó đưa ra không? Câu trả lời là: Mỹ đã thắng trận từ năm ngoái rồi! Cho nên hầu như không thể đoán trước điều gì. Có phải vì cuộc sống thì quá phức tạp mà lòng người thì quá hiểm sâu không? Một chủ đề đang được đồn đoán nhiều là cuộc chiến Nga - Ucraina. Có người tin rằng chiến tranh sẽ kết thúc trong năm 2025. Nhưng cũng có thể nó sẽ kéo dài nhiều năm nữa. Bạn có biết chắc là bạn sẽ sống đến bao nhiêu tuổi không? Cho nên sống đến đâu thì biết đến đó thôi.

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Ở đâu?

Viết mãi viết hoài vẫn thế thôi 

Vẫn vui lễ hội và giết nhau 

Vẫn mãi đi tìm đường giải thoát 

Con đường mơ ấy ở nơi nao?

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Rét buốt

Bạn có thể làm gì 

Để chấn chỉnh cái thế giới hỗn loạn

Khắp xung quanh ?

Hay là ngồi yên

Nhâm nhi ấm trà nóng ngon

Ngoài kia trời đã lạnh hơn 

Sẽ rét buốt 


Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Cách của bạn?

Có lẽ bạn không nhất thiết phải leo lên tới đỉnh Everest hay đi bộ chân trần hàng ngàn dăm tới đất Phật. Có thể bạn chỉ cần ngủ được một đêm bình yên, thức dậy sảng khoái trong im lặng và sống một ngày nhẹ nhàng bình thản tâm không xao động trong một thế giới quay cuồng trong tham sân si.

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

Trò đời

Vở diễn của bạn đã xong rồi?

Dở hay thì vẫn chỉ thế thôi 

Giờ đà tới lúc rời sân khấu 

Trò đời muôn thuở tiếp tục chơi

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Đáng buồn

Năm mới rồi mà vẫn chiến tranh 

Chúc tụng mãi rồi có chán không?

Những kẻ bạo tàn luôn còn đó 

Lại thêm một lũ ngốc vây quanh

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Bắt đầu là thế

Một ấm trà nóng nhỏ

Bớt cái lạnh đêm đông

Một miếng bánh mì con

Ấm thêm cái bụng đói 

Thơ ca hay triết lý 

Bắt đầu là thế thôi!



Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

2025

Một mình lạnh giá ngày đầu năm 

Biết chúc gì đây chén trà ngon?

Đã chúc mãi rồi đâu có khác?

Chúc Mừng Năm 2025!

Năm mới nào rồi lại cũ thôi

Thời gian cứ thế mãi mãi trôi

Trôi mãi trôi vào nơi vô định

Cuốn theo tất cả, bạn và tôi