Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tản mạn và Thiền

Trừ khi ta đang làm một việc gì đó phải tập trung cao độ, còn không thì đầu óc ta cứ lan man không dứt với đủ các thứ suy nghĩ không biết từ đâu tới. Suy nghĩ tản mạn có lẽ là cái cách mà bộ óc của chúng ta vận hành. Mà tản mạn thì lại hay gây ra lo lắng, sợ hãi, bực tức, ham muốn, buồn bã, v.v. – những thứ thường làm cho chúng ta cảm thấy bất hạnh. Thiền là luôn sống chăm chú trong hiện tại, ngay lúc này, ngay ở đây. Tập thiền là tập sống như thế, chứ không phải là ngồi bắt chéo chân 30 phút mỗi ngày và tập trung vào hơi thở hay những “kỹ thuật” đại loại như thế.

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Lựa chọn hôm nay

Hôm nay mình mặc váy mầu gì? Đi đôi giày nào cho hợp? Dùng son phấn, nước hoa gì? Trưa nay đi ăn ở hàng nào? Tối nay cho chồng con ăn món gì? Sau đó xem chương trình TV nào? Đó là những lựa chọn hàng ngày của nhiều phụ nữ ở Hà Nội và ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng phụ nữ ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Công gô, một nước miền trung châu Phi thì có ít lựa chọn hơn. Các nhóm vũ trang bạo loạn đã ngự trị và hoành hành ở đây nhiều năm. Phụ nữ ở các làng quê mỗi buổi sáng phải lựa chọn hoặc là ở nhà nhìn con cái và bản thân chết đói; hoặc ra đồng hay vào rừng cố kiếm cái gì đó ăn được và sẽ bị lính tráng của các nhóm bạo loạn hãm hiếp. Phần lớn phụ nữ ở đó chọn lựa chọn thứ hai. Ngày nào kiếm được một chút thức ăn và sống sót sau những vụ bạo dâm tập thể của bọn lính thì họ coi là may mắn lắm rồi. Phần lớn chúng ta thì hoặc là không quan tâm vì ta còn quá nhiều những vấn đề cần giải quyết; hoặc là có biết, nhưng cũng chẳng thể làm gì để giúp. Nhưng có lẽ, nếu ta còn chút tình người, thì hay bớt kêu ca về những “vấn đề” của mình. Chúng nhỏ nhoi vụn vặt lắm.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Thứ Sáu đen


Vừa rồi ở Mỹ có một ngày gọi là “Thứ Sáu Đen”. Không biết tại sao người ta gọi như thế, nhưng đó là ngày mà các siêu thị giảm giá nhiều thứ hàng tiêu dùng. Nghe nói có đến hơn 150 triệu người đi mua hàng hôm đó. Hàng vạn người xếp hàng từ nửa đêm chờ siêu thị mở cửa để có thể nhanh chân mua được thứ mình cần. Và thế là chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn, thậm chí có người dùng đến cả vũ khí như bình xịt hơi cay và súng để tranh giành hàng mà có khi chỉ là những chiếc khăn tắm giá $1.0. Thân phận người nghèo, dù là ở Mỹ, nước giàu có với giáo dục và dân trí vào hàng cao nhất thế giới hay là ở các nước nghèo thuộc “thế giới thứ ba” thì cũng tủi nhục như vậy cả.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Những câu hỏi vô nghĩa

Bao giờ hết chiến tranh? Bao giờ con người sẽ không “giải quyết” bất cứ vấn đề gì bằng cách giết người khác? Bao giờ loài người ngừng làm ra những công cụ giết người mới và tiêu hủy tất cả những công cụ giết người hiện có? Bao giờ con người sẽ chỉ dùng tình thương thay cho vũ lực để giải quyết mọi vấn đề? Bao giờ …? Bao giờ… ? Loài người đã trải qua hàng vạn năm tồn tại và phát triển trên Trái Đất. Từ xa xưa, con người đã suy tư nhiều về cuộc sống và cách con người cư xử với nhau và với muôn loài khác. Con người cũng đã tự hỏi những câu “bao giờ” như thế. Nhưng trải qua hàng vạn năm tiến hóa, con người vẫn không tìm ra câu trả lời. Nền văn minh của loài người nay đã “phát triển” đến mức là những câu hỏi quan trọng nhất đối với sự tồn tại của loài người và vạn vật trên Trái Đất đã trở thành những câu hỏi vô nghĩa. Ở thế kỷ 20, có lẽ người ta đã giết chết nhiều người hơn tất cả các thế kỷ trước cộng lại. Và giết chóc vẫn tiếp tục là “chuyện thường ngày” ở thế kỷ 21 mà người ta có lẽ ít quan tâm hơn là việc người đẹp X “lộ hàng” hay những thứ đại loại như vậy.

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Khoảng trống vô tận


Trong vũ trụ có một vật thể bí ẩn mà các nhà thiên văn học gọi là “Lỗ Đen”, có lẽ vì họ không thể nhìn thấy nó. Lỗ Đen có một sức hút khủng khiếp. Mọi vật đi qua nó như ánh sáng, các vật thể vũ trụ khác, các hành tinh, thậm chí cả những vì sao đều bị nó hút vào và biến mất trong một khoảng không vô tận mà không để lại bất cứ dấu vết nào. Có thể nói phần lớn chúng ta cũng đều là những “lỗ đen”. Cái khoảng trống trong ta cũng thật khủng khiếp. Đầu tiên là nó hút tiền bạc, nhà cửa, đất đai và các thứ của cải vật chất khác với hy vọng là cái “lỗ đen” sẽ được lấp đầy. Nhưng tiền bạc có thể làm cho người ta có cảm giác thỏa mãn, phấn chấn được lúc mới đầu. Nhưng rồi thì cái cảm giác vẫn thiếu một cái gì đó quay lại. Sẵn tiền bạc, người ta nghĩ chắc là giải trí và thú vui sẽ lấp được chỗ trống. Thế là người ta đi du lịch, bù khú bạn bè, xem ti vi, ca nhạc, bóng đá, rượu bia, cờ bạc, tình dục hoặc các thứ giải trí khác, thậm chí cả ma túy. Rồi thì từ thiện, mà có lẽ cũng chỉ là một thú vui làm đẹp lòng mình của kẻ giàu. Nhưng rồi cái vui cũng chỉ được chốc lát để rồi lại nhường chỗ cho cái cảm giác chán chường nhạt nhẽo. Có người nghĩ kiến thức sẽ lấp đầy khoảng trống. Thế là họ ra sức đọc sách báo và thu gom đủ loại bằng cấp và kiến thức đông tây kim cổ để tìm lối thoát. Nhưng càng nhiều kiến thức thì lại càng nặng đầu và rối trí. Có người thì cố lấp đầy cái thùng không đáy ấy bằng công việc bù đầu ngày đêm. Có người thì lại đi nhà thờ, chùa chiền, theo các ông thầy tâm linh, tham gia các hoạt động chính trị hay tôn giáo, các thứ tập luyện khắc khổ, v.v. và v.v. Nhưng dù có làm gì, có đi đến đâu, có sở hữu bao nhiêu, có ép xác khổ hạnh đến thế nào đi nữa vẫn khó mà lấp đầy cái khoảng trống rỗng vô tận trong ta. Đó là nỗi khổ của loài người, hay ít nhất là của những người có bộ óc phát triển đầy đủ.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Tự Do: Có hay Không?

Cuộc sống là một dòng sông vĩ đại. Không ai biết nó bắt nguồn từ đâu và kết thúc ở đâu. Tất cả chúng ta, bất kể giàu nghèo, hèn kém hay tài giỏi, dù cố gắng vùng vẫy đến đâu thì cuối cùng vẫn phải lênh đênh chìm nổi trong dòng sông ấy, rồi bị cuốn đi mà không thể thoát đi đâu được. Thế cho nên, tự do là một ước mơ đẹp, một mục đích cao cả để cố gắng theo đuổi, nhưng có lẽ không bao giờ đạt được.

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Say

Báo mạng đưa tin một người đàn ông gần lục tuần ở Nghệ An uống rượu say đi gây gổ và đâm chết một người họ hàng. Những chuyện chết người, bị thương, đánh nhau, cãi nhau hay tai nạn giao thông tương tự như thế không phải là ít, và thường có liên quan đến rượu bia. Khi say rượu, người ta thường khó làm chủ mình, dễ nổi khùng vì những mâu thuẫn có sẵn hay chỉ vì những lý do vụn vặt vô lý. Suy rộng ra, người ta cũng có thể “say” vì những thứ khác và cũng có những hành động dại dột gây hậu quả nghiêm trọng. Những “hooligan” bóng đá ở Anh hay ở khắp nơi trên thế giới ẩu đả với “fan” của các câu lạc bộ khác có lẽ cũng vì “say” mầu cờ sắc áo. Những kẻ cuồng tín cũng có thể nổi khùng lên nếu họ cảm thấy “sách thánh” hay giáo chủ của họ bị xúc phạm. Thậm chí họ có thể sẵn sàng lao vào các cuộc “thánh chiến” đẫm máu để được “tử vì đạo”. Điều này đã có từ xa xưa và vẫn đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.Thực ra thì họ cũng chỉ là những người như chúng ta thôi. Nhưng sự ngây thơ của họ bị lợi dụng bởi những chính trị gia và lãnh đạo tôn giáo tham lam, độc ác và xảo quyệt ở mọi thời đại.

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Chuyện sư qua suối


Xưa có chuyện hai nhà sư, một trẻ một già trên đường đi "khất thực" gặp một con suối và một cô gái trẻ đẹp đang khóc. Hỏi tại sao thì cô gái nói không dám lội qua vì sợ suối sâu. Nhà sư trẻ không ngần ngại lập tức cúi xuống bế cô gái lội qua suối, đặt cô ta xuống bờ bên kia rồi tiếp tục đi. Nhà sư già trong suốt đoạn đường tiếp theo tỏ ra suy nghĩ rất nhiều về sự việc ấy. Cuối cùng, không nhịn được nữa, sư già bảo: “Một điều giới quan trọng của nhà Phật ta là phải tránh xa đàn bà và những điều tà dâm. Thế mà đệ dám bế cô gái ấy và còn để cho cô ta áp cái thân thể trẻ trung và “nóng bỏng” của mình sát vào người đệ. Thế này thì quá đáng lắm. Ta sẽ báo cáo việc này với sư cụ!”. Nhà sư trẻ ngạc nhiên trả lời: “Nhưng mà đệ đã đặt cô ta xuống bờ suối từ lâu rồi. Còn huynh thì hình như vẫn tiếp tục "ôm" cô ta suốt từ lúc ấy đến giờ?”. Thực ra phần lớn chúng ta cũng như nhà sư già kia. Ta hành động không xuất phát tự nhiên từ cái tâm mình mà phụ thuộc vào những giáo điều cứng nhắc. Chúng ta cũng có đủ loại thèm muốn thầm kín bên trong nhưng bên ngoài thì lại vẫn muốn tỏ ra là “đạo đức”. Khi ta bị tác động mạnh bởi một cái gì đó thì mặc dù nó đã qua đi, đầu óc ta vẫn cứ tiếp tục suy nghĩ, ta cứ “ôm” cái đó mãi mà khó quẳng đi được.

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Sự bất bình thường của cái chết


Con người sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Rồi lại sinh ra, lớn lên, già đi, rồi lại chết. Cái chu trình này đã tiếp diễn hàng vạn, có lẽ hàng triệu năm rồi. Vậy thì cái chết phải là một cái gì rất bình thường. Nhưng không hiểu sao chúng ta lại không coi nó là bình thường. Hãy nhìn những đám tang ở Việt Nam hay Trung Quốc. Người ta than khóc thảm thiết. Khi người thân yêu ra đi, nhất là khi họ còn trẻ hoặc bị tai nạn bi thảm thì sự tiếc thương là tự nhiên. Nhưng khi những người tám mươi hay chín mươi tuổi ra đi, con cháu có hiếu cũng tiếc thương, song có lẽ phải coi đó là sự bình thường. Nhiều người có lẽ cũng hiểu như vậy. Nhưng xã hội dường như lại đòi hỏi họ phải tỏ ra đau khổ, tiếc thương vô hạn, v.v. và nếu không làm như thế thì sẽ bị chê là “bất hiếu”. Và thế là từ xưa, người ta nghĩ ra những thứ như quần áo xô, chống gậy, đi giật lùi, lăn ra đất, kể lể công đức, kèn trống ỉ eo suốt ngày đêm, v.v. để tỏ lòng thương tiếc người quá cố. Nhưng cứ giả vờ mãi thì cũng mệt. Thế là người ta “sáng kiến” tìm người khóc thuê. Với phương tiện ngày nay thì việc này thật dễ - một cái máy “cát-xét” hay đĩa CD là có tiếng con cháu khóc than, kể lể suốt ngày. Nhưng như thế cũng “chưa là gì”. Ngày nay “phú quý sinh lễ nghĩa”. Người ta thuê cả “dàn” thầy thợ các loại đến để làm đủ các loại cúng bái. Đến chỗ này thì tình thương nhớ người quá cố có vẻ đã bắt đầu nhường chỗ cho sự sợ hãi của gia chủ rằng nếu không đủ thủ tục thì có thể sẽ có rủi ro cho công danh sự nghiệp và đường làm ăn. Chưa hết, những nhà có chức có quyền và “đại gia” giàu có thì đây có thể là dịp để phô trương quyền thế và tiền của. Người ta trịnh trong “xướng” to qua loa phóng thanh tên tuổi và chức vụ của những người, những đoàn đến viếng. Rồi thì cơ man nào là xe cộ, vòng hoa, và nhất là “phong bì”, một trong những sản phẩm của thời “đổi mới”. Gần đây nghe nói còn có những vị quan chức tỉnh còn cho thông báo chính thức về tang lễ cho toàn tỉnh để mọi người đến dự cho đủ. Thế là cái mục đích ban đầu là để thương nhớ người quá cố tiếp tục “biến tướng” thành ra một dịp để “củng cố” quan hệ giữa người đến viếng và gia chủ, nhất là khi gia chủ lại là người có chức có quyền. Lúc ấy có lẽ người ta chỉ quan tâm đến gia chủ là ai chứ người nằm trong quan tài là ai người ta cũng chả cần quan tâm. Cái chết của người già – vốn là một việc bình thường của thiên nhiên và việc con cháu tiễn đưa họ – đáng lẽ phải là một nghi lễ giản dị, thành kính, ấm áp tình người như lúc con cháu đối với cha mẹ ông bà khi họ còn sống - đã biến thành một thứ méo mó phô trương không bình thường bởi sự giả dối, tham lam, dốt nát, háo danh lợi.

Vệ sinh


Chúng ta đều khá là sạch sẽ. Sáng dậy là đánh răng, rửa mặt, hầu như ngày nào cũng tắm gội, mặc quần áo sạch sẽ. Nhưng đó mới chỉ là cái vỏ ngoài. Cái “ruột” bên trong – cái đầu của chúng ta – thì lại không được sạch sẽ cho lắm. Nó chứa những ý nghĩ có thể nói là khá bẩn như ích kỷ, tham lam, ác ý, ghen tỵ, háo danh lợi, dối trá. Từ đó có thể phát ra những lời nói “bẩn”, thô bạo, độc địa, nhỏ nhen và tiếp theo có thể là những hành động tương tự. Vì thế ta cũng phải hàng ngày “làm vệ sinh” cái đầu ta. Mà có lẽ cũng không khó lắm vì ta chỉ cần nhận thức được cái đó là “bẩn” thì nó sẽ bị thải ra, như ta đi toilet vậy!