Hồi còn nhỏ, người viết sống ở miền bắc
Việt Nam - xưa hay gọi là Bắc Việt. Đó là một xã hội hầu như không có thông tin
gì về thế giới bên ngoài. Không có truyền hình đã đành. Người ta còn không biết
"tivi" là gì bởi đó là một từ không có trong ngôn ngữ ở Bắc Việt. Sau tháng 4-1975, từ "tivi" mới xuất
hiện, cùng với những cái tivi cũ của Nhật được đưa từ Nam ra Bắc. Báo chí hồi
đó chỉ có vài tờ. Tin tức thường là hôm qua quân dân miền bắc bắn rơi mấy máy
bay Mỹ, quân giải phóng miền nam tấn công ở vùng nào, tiêu diệt được bao nhiêu
Mỹ ngụy, hợp tác xã nọ thu hoạch được bao nhiêu tấn lúa, đại loại như vậy. Thỉnh
thoảng cũng được xem phim của Liên Xô, có cảnh thành phố Mạc Tư Khoa, điện
Kremlin, công trường xây dựng thủy điện ở Xi-bê-ri, hay máy cày chạy trên những
cánh đồng rộng lớn. Cũng khá là ấn tượng rồi. Thế nhưng ấn tượng mạnh lại là
một bộ phim tài liệu - hình như của Đông Đức - nói về cuộc đấu tranh của nhân
dân Venezuela chống lại "đế quốc Mỹ và chế độ tay sai". Người ta thấy
thủ đô Caracas với những con đường rộng lớn trải nhựa phẳng lì, những tòa nhà
cao tầng to lớn, phố phường tràn ngập ánh sáng đèn ban đêm, xe hơi bóng lộn,
dân chúng ai cũng "béo tốt", ăn mặc đẹp đẽ sang trọng, những cửa hàng
đầy ắp hàng hóa, những cô gái xinh đẹp đang mua hàng. Có lẽ Sài Gòn khi đó cũng
như vậy, nhưng không có hình ảnh nào của Sài Gòn xuất hiện ở miền bắc lúc đó cả.
Với một đất nước mà ai cũng chỉ có vài bộ quần áo, giống nhau, sờn cũ, hầu như
không ai có giày để đi cả, ai cũng gày gò vì thiếu gạo ăn, thì Venezuela là hình
ảnh một thiên đường mà dân bắc nằm mơ cũng không thấy. Về sau thì người ta chỉ
để ý đó là một xứ nhiều dầu mỏ và nhiều "hoa hậu". Những năm đầu thế
kỷ 21, người ta lại để ý đến Venezuela với người lãnh đạo mới - Hugo Chavez -
hùng biện, lôi cuốn với những cuộc cải cách xã hội to lớn đầy tham vọng, tự tin
vì có trong tay nguồn đô-la dầu mỏ to lớn, được hàng triệu người, chủ yếu là
tầng lớp bình dân nhiệt liệt ủng hộ. Nhưng ông ra đi năm 2013 vì ung thư. Người
kế tục sự nghiệp là Maduro, so với Chavez thì thiếu hai thứ: một là khả năng
lôi cuốn quần chúng; và hai - là điều quan trọng nhất - tiền. Những năm gần đây
giá dầu đi xuống, ngân sách thu không đủ chi, cạn kiệt dần có lẽ bởi chi tiêu
cho những đại dự án thời kỳ trước, lại chưa kịp xây dựng được những ngành sản
xuất, dịch vụ nào đủ để nuôi sống đất nước. Thế là kinh tế lao dốc không phanh.
Đất nước bị cô lập về mọi mặt. Với lạm phát không phải là "phi mã",
mà là như "tên lửa", đồng nội tệ không phải là giấy lộn, mà là không
bằng giấy lộn. Báo chí hôm nay có hình ảnh tiêu biểu chi tình hình hiện tại. Một
cuộn giấy vệ sinh để cạnh số tiền dùng để mua cuộn giấy đó. Số tiền buộc thành
những "cục gạch" còn to hơn cả cuộn giấy vệ sinh! Người dân Venezuela
đang phải sống những tháng ngày thê thảm, thiếu thốn tất cả mọi thứ cho nhu cầu
hàng ngày tối thiểu nhất. Ấy thế mà Venezuela từng là nước giàu có bậc nhất Nam
Mỹ. Tại sao mà đất nước ấy lại đến nông nỗi này? Câu trả lời để dành cho các
chính trị gia, kinh tế gia, v.v. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Không phải
tại nhân dân Venezuela!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét