Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Mái trường xưa


Cả đời ta hướng về phía trước, với những dự định, kế hoạch, mục tiêu. Bận rộn với công việc, kiếm sống, say sưa với thắng lợi, cay đắng vì thất bại, ta quên cả thời gian. Năm tháng cứ thế vùn vụt trôi qua. Rồi một ngày, ta bỗng nhận ra những nếp nhăn trên khuôn mặt và những sợi tóc bạc trên đầu. Tự nhiên, ta bỗng thích lang thang, không mục đích, ngắm bình minh và hoàng hôn, mây bay và mưa rơi, sông chảy và mặt hồ gợn sóng, cỏ cây và hoa lá. Ta bỗng chú ý hơn tới những người ta tình cờ gặp hàng ngày mà trước đây ta ít để ý. Ta bỗng nhận ra vẻ đẹp cùng nỗi khổ của họ. Ta thích lang thang về quá khứ. Một ngày, ta bỗng thấy mình ở trước cổng ngôi trường xưa. Đó là lúc tan trường buổi chiều. Hòa vào trong đám phụ huynh đi đón con đón cháu, ta lặng ngắm khuôn mặt những cậu bé và cô bé lớp một đang tung tăng ra về. Và bỗng nhiên, lòng thấy xốn xang. Ta thấy mình chính là cậu bé kia, rụt rè và ngơ ngác nắm tay cô bé cùng lớp. Tự nhiên trong ta vang lên câu hát “Ta đã từng một thời trẻ trung biết bao…”  trong một bài ca của nhạc sỹ Nga-Xô Viết Pakhmutova. Rồi cặp mắt bỗng nhòa lệ. Chẳng biết tại sao ta như muốn khóc. Những khoảng sân trường ấy ngày nào có một cậu bé giờ ra chơi thường thích tìm những quả bàng rơi. Con đường ngoài kia là đường cậu bé ấy đã từng ngày ngày đến trường. Góc phố kia xưa có ông thợ cắt tóc rất vui chuyện và thường “giảm giá” khi cậu bé ấy cắt tóc vì là “khách quen”. Cũng con đường ấy mẹ ta ngày ngày tần tảo đi chợ, vẻ mặt Người hay thẫn thờ lo âu mà lúc ấy ta không hiểu được vì sao. Gốc cây kia là nơi Cha ta vẫn đợi tan trường để đón cháu nội. Rồi khuôn mặt và giọng nói của những thầy cô xưa dạy ta những bài tập đọc tiếng Việt đầu tiên, những nốt nhạc đầu tiên mà khi đó ta đâu biết chúng có ý nghĩa thế nào cho cuộc đời ta mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét