Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Tản mạn ngày cuối tháng Tư

Hôm nay là ngày 30/4. Đó là một trong những ngày gợi cho người Việt những suy nghĩ rất khác nhau bởi vì dù đa số dân Việt sống ở trong mảnh đất nhỏ hình chữ S, vẫn phải kể đến nhiều triệu người Việt khác đang sống ở khắp nơi trên thế giới mà nhiều nhất là ở Mỹ. Thế giới dường như vẫn bàng hoàng về vụ đánh bom tự sát ở Sri Lanka. Người ta thấy khó hiểu vì sao trong số những kẻ đánh bom có cả hai anh em con một tỷ phú giàu có bậc nhất Sri Lanka? Sao họ không “biết sướng” mà hưởng thụ cái khối tài sản khổng lồ, niềm mơ ước của đa số chúng ta mà lại đi lao vào chỗ chết như vậy? Bỏ qua chuyện phải trái đúng sai, thứ chỉ gây tranh cãi muôn thuở mà chỉ nhìn vào sự kiện thì có thế thấy xưa nay vẫn có những người như thế. Đối với họ, lý tưởng là cao nhất, là cái mà vì nó họ có thể bình thản hy sinh tất cả. Đức Phật chính là một ví dụ. Ngài từ bỏ vị trí một hoàng tử, một vị vua tương lai, để trở thành một “kẻ ăn mày”, ngày ngày khất thực để suy nghĩ về lý tưởng “giải thoát” loài người. Sri Lanka chỉ là một ví dụ tiếp theo của một mâu thuẫn nhiều thế kỷ giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo. Nói đúng hơn thì có lẽ đó là những nhóm cực đoan nhất trong hai tôn giáo này. Không ai biết được mâu thuẫn Hồi Giáo – Thiên Chúa Giáo bao giờ sẽ chấm dứt. Vừa rồi mâu thuẫn 70 năm Nam – Bắc Triều Tiên mới lóe lên tia hy vọng ở Hà Nội để rồi lại nhanh chóng vụt tắt. Hôm nay ở Hà Nội hay tp HCM hình như không thấy có những hoạt động rầm rộ kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam như những năm trước đây. Dân trong nước còn bận về quê hoặc đi nghỉ ở bãi biển hay vùng núi. Ở “bên kia”, không biết không khí trong cộng đồng mấy triệu người Việt hải ngoại – số người bằng dân số của nhiều quốc gia – như thế nào trong ngày mà ít nhất một số người coi là “ngày quốc hận”. Cũng không ai biết bao giờ thì câu chuyện “ngày giải phóng vs ngày quốc hận” sẽ thành chuyện quá khứ, chuyện lịch sử. Vừa rồi một danh hài trẻ trở thành tổng thống Ucraina. Trong không khí “ăn mừng” sau khi nghe thông báo kết quả bầu cử, ông có nói đại ý là “khi tôi hãy còn là một người dân thường, chưa chính thức thành tổng thống, tôi muốn nói với nhân dân các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ: hãy nhìn chúng tôi đây này, mọi sự đều có thể xảy ra! Hiểu rộng hơn một chút thì Việt Nam, TQ, Bắc Hàn, Cuba cũng có thể coi là thuộc khối LX cũ mà khi đó có tên chính thức là “phe XHCN”. Người Nhật từng coi Mỹ là kẻ thù số một cản trở việc thực hiện giấc mơ bá chủ châu Á – Thái Bình Dương của họ. Khi giấc mơ đó tan tành dưới hai quả bom nguyên tử của Mỹ và cuộc tấn công vũ bão của Hồng Quân LX vào đội quân Quan Đông cả triệu người tinh nhuệ nhất, người Nhật dường như đã tỉnh giấc, hiểu rằng họ đã sang một thời kỳ hoàn toàn mới, một cơ hội mới. Hàng triệu người Nhật lại đoàn kết, học tập và lao động miệt mài ngày đêm để rồi từ một đống tro tàn đổ nát, sau hai chục năm họ đã thành một nước phát triển văn minh. Năm 1989, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, hai vùng Đông và Tây Đức sau bốn chục năm bị chia cắt lại hòa vào nhau “như chưa từng có cuộc chia ly”. Ngẫm nghĩ thì thấy dân Nhật và dân Đức quả là khôn ngoan. Họ hiểu rất rõ cái câu “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” trước cả ô. Đặng ở TQ. Không biết chừng thì chính ô. Đặng là người học được điều đó từ người Nhật và người Đức cũng nên.  Sau nhiều ngày nóng “như đổ lửa”, sáng nay có cơn mưa lớn ào ạt đổ xuống.  Trời đất bỗng tối sầm rồi lại sáng lên, dịu mát và trong lành lạ thường. Hình như quy luật của trời đất là thế. Cứ cái gì đã tới ‘cùng cực” thì nó lại trở về cái đối nghịch của nó. Nếu khôn ngoan mà sớm hiểu được cái lẽ đó thì người ta có thể giúp đẩy nhanh quá trình. Còn nếu cứ “khăng khăng” với “chân lý” của mình thì sớm muộn sẽ trở thành vật cản cho sự dịch chuyển tự nhiên không có gì cản nổi của Thiên Mệnh mà thôi.     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét