Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

Tản mạn ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Truyền hình NHK Nhật có một phóng sự về Đà Nẵng. Một nhóm học sinh đang tập nhảy múa rất vui vẻ ở công viên 29/3. Khi được hỏi 29/3 là ngày gì, các em ngơ ngác nhìn nhau và trả lời là không biết. Ở một chỗ khác, một bác lớn tuổi cho biết còn nhớ rõ ngày 29/3/1975. Theo ông trước ngày đó có đánh nhau to, súng nổ nhiều và rất nhiều xe tăng chạy qua. Đến chiều 29/3, khi hết tiếng súng, ông hiểu là cuộc chiến ở Đà Nẵng đã kết thúc. Ở bãi biển, khi bình minh đang lên, một nhóm các cô dâu rạng rỡ trong váy cưới đang chụp ảnh cùng chú rể giữa một đàn chim bồ câu. Không biết các cô gái và chàng trai hạnh phúc kia có biết rằng đúng chỗ họ đang đứng hơn năm mươi năm trước vào sáng ngày 8/3/1965, thủy quân lục chiến Mỹ ào ạt đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng, mở đầu thời kỳ ác liệt nhất của chiến tranh Việt Nam. Ở một ngõ nhỏ sâu trong phố, vài họa sỹ đang vẽ lên tường ngõ những bức tranh làng quê xưa bên cạnh những bức “tưởng tượng” về tương lai thanh bình tươi sáng của thành phố. Liệu có ai đó nghĩ rằng sự hồn nhiên ‘thiếu hiểu biết lịch sử” của các cô bé cậu bé tại cái công viên 29/3 kia hay là cái ‘nhận thức không phân biệt ta thắng/địch thua của cụ ông trên kia có khi lại là hay không? Ngày hôm nay 65 năm trước, quân Pháp hạ vũ khí, cầm cờ trắng ra hàng ở Điện Biên Phủ. Gần đây, ngay ở Điện Biên Phủ, gần hầm chỉ huy của tướng De Castries, theo sáng kiến của một cựu binh Pháp, người ta xây một ngôi mộ tưởng niệm những binh sỹ Pháp chết trận. Ngôi mộ được trông coi chăm sóc cẩn thận bởi một cựu quân nhân Việt Nam. Phải chăng đó là những cách tốt hơn để hàn gắn vết thương lớn về tinh thần gây ra bởi cuộc Chiến Tranh Việt Nam – theo cách gọi của Mỹ hay là Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – cách gọi chính thức ở Việt Nam?     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét