Chiến tranh Ucraine đã tròn 2 tháng. Cuộc chiến này chia thế giới làm 2 phe: Ủng hộ Nga và ủng hộ Ucraine. Việt Nam cũng không "nằm ngoài". Tranh luận trên mạng xã hội thậm chí khá gay gắt. Đó là vì VN vốn là bạn "chí cốt" của cả 2 bên. Nhưng bây giờ hai người bạn đó thành kẻ thù "không đội trời chung" nên Việt Nam phải chọn bên. Chính xác hơn thì Việt Nam vốn là bạn và đồng minh của Liên Bang Xô Viết, người Việt thường gọi là Liên Xô chứ ít khi phân biệt thành Nga, Ukraina, Belarus, v. v. Có thể nói là viện trợ to lớn của LX nhất là viện trợ quân sự đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong "kháng chiến chống Mỹ cứu nước" và thống nhất đất nước giai đoạn 1955-1975. Hàng vạn thanh niên VN nhiều thế hệ được học tập "miễn phí" hoàn toàn ở các trường đại học ở khắp LX, trong đó có những thành phố Ucraine như Kiev, Kharkov, Odessa. . Sau khi LX tan rã năm 1991, nước Nga - dù chỉ là một trong 15 nước trong LX - nước lớn nhất và nhiều ảnh hưởng nhất - được thừa hưởng phần lớn di sản vật chất và tinh thần của LX bao gồm cả vũ khí hạt nhân và sự ngưỡng mộ và biết ơn của đông đảo người Việt, thậm chí cả những người chưa từng đến Nga. Người Việt suốt cả một thế kỷ bị người Pháp đô hộ và khinh miệt nên hay có mặc cảm thấp kém. Sang Nga thấy dân Nga thân thiện, tính tình xuề xòa, dễ dãi. LX theo chủ nghĩa "quốc tế vô sản" nên dân được giáo dục theo tinh thần ấy. Hồi ấy dân "da trắng" ở LX không kỳ thị các tộc người khác từ các nước nghèo và "không trắng". Sinh viên Việt Nam thấp bé gầy gò đen đủi nhếch nhác mà vẫn không bị bọn "Tây da trắng" cùng trường lớp hay dân bản địa ngoài đường kỳ thị . Những cậu số "đào hoa" còn được các em Nga xinh đẹp thích. Mấy chú Việt Nam lấy thế làm "khoái chí" lắm. Đang ở VN bom đạn đói khổ thế, sang đây ăn "bơ sữa" no đủ, được học hành tử tế, lại còn được tôn trọng nữa thì các chú các cô bé đó sẽ nhớ ơn suốt đời. Nga lại có một nền văn hoá phát triển cao trong nhiều lĩnh vực, từ điện ảnh, âm nhạc, văn học, hội họa, balê, trượt băng nghệ thuật, khoa học, vũ trụ, vũ khí, đến lịch sử oai hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc 1941-45. Mối liên hệ của Việt Nam với Nga có xuất xứ từ cả trăm năm trước. Trong sử sách hay văn học Việt Nam hiện đại đều có bóng dáng của LX. Sách học cho trẻ con Việt Nam kể rằng Cụ Hồ khi ở Paris - lúc đó còn là một chàng trai trẻ tên là Nguyễn Ái Quốc - đi tìm con đường giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp đã reo mừng như thế nào khi phát hiện ra bản luận cương của Lenin về vấn đề giải phóng thuộc địa. Năm 1924, Cụ sang Nga để học tập và tìm kiếm sự hỗ trợ của CS Nga cho cho sự nghiệp giành độc lập của Việt Nam. Tiếp theo thì nhiều thanh niên ưu tú Việt Nam cũng được đưa sang để học tập, nhiều người về sau thành những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu, một lãnh đạo cao cấp thời kỳ đầu có cảm hứng thế này khi lãnh tụ Stalin qua đời năm 1953:
Hỡi Ông mất đất trời có không
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin
So với Tố Hữu hồi ấy thì độ "cuồng Nga" của các đc bây giờ chưa là cái gì. Nhiều người học ở LX đã lâu lắm rồi mà vẫn tham gia các hội online - offline để cùng nhau ôn các kỷ niệm êm đềm đầy nỗi nhớ thương của quá khứ xa xăm tuổi đôi mươi ở đó. Họ thuộc làu làu các bài hát Nga như Cây thùy dương, Chiều Mạc Tư Khoa, Ka chiu sa và rất nhiều bài khác. Họ yêu thơ Puskin và Lermontov. Họ mê phim Đàn sếu bay qua và Sông Đông êm đềm. Họ sùng kính Tchaikovsky và Rakhmanhinov. Họ yêu mùa đông Nga và rừng Bạch Dương, yêu tranh Levitan và Kramskoi. Một số người vẫn giữ mối liên hệ với các thầy cô giáo Nga xưa, đưa họ sang thăm Việt Nam. Tất cả những cái đó gộp lại lâu ngày thì biến thành một tình yêu sâu đậm. Nga thành quê hương tinh thần của họ. Yêu quá thì dễ hóa "cuồng", ai "động đến" đối tượng" yêu của mình thì "nhảy dựng lên" ra sức bênh vực, bảo vệ ngay, có khi mất cả lý trí. Đôi khi có người cũng hiểu vấn đề. Tuy nhiên, có thể do tính người Việt hơi "lụy tình", biết là Nga sai nhưng vẫn không thể thẳng thừng quay lưng với ân nhân cũ. Tình cảm của người Việt với Ucraine vốn cũng không khác gì Nga. Nhưng từ khi xảy ra "cách mạng màu", Ukraina xây dựng một nền chính trị dân chủ, hướng tới EU và Nato, thậm chí ghi cả điều đó vào Hiến Pháp. Đó là điều Nga không ưa và tìm mọi cách ngăn chặn. Nhiều người Việt chia sẻ quan điểm đó vì dân chủ kiểu phương tây còn khá xa lạ với họ. Họ dễ nhìn thấy những "nhược điểm" có lẽ vì chưa hiểu dân chủ là gì và giá trị quý báu nhất của nó là ở chỗ nào. Đó là vì họ chưa sống ở trong một xã hội như vậy bao giờ. Truyền thông Nga lại thường mô tả Ucraine như một xã hội đang đi theo hướng phát xít hóa và đó là một hiểm họa mà Nga phải loại trừ. Nhiều người Việt cũng tin vào nhận định đó như họ tin "các đồng chí LX" vậy. Tình cảm với Ucraine phai nhạt dần. Thế là khi xảy ra chiến tranh, họ ủng hộ Nga. Đó đại để là đặc điểm của nhóm người Việt - tạm gọi là nhóm "cuồng Nga", khá là đông đảo. Sau khi LX tan rã, Việt Nam đổi mới, hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng. Từ đó hình thành một nhóm người, thường trẻ hơn, có cái nhìn rộng hơn, khác kiểu "lối mòn" thời chiến như: ta - địch, cộng sản - tư bản trước đây. Nhóm già có xu hướng đánh đồng nước Nga bây giờ với LX. Dù cũng khá "đổi mới" như thích cho con đi học ở Anh Mỹ, làm việc, định cư thậm chí có quốc tịch ở đó, thích lối làm giàu tư bản, thích đô-la, nhưng cứ hễ động đến chính trị là nhóm già lại theo tư duy cũ. Họ cho rằng Putin bảo vệ những giá trị của LX, chống lại bá quyền của Mỹ và bành trướng của Nato bằng cách ngăn chặn Ucraine và nếu không đánh trước thì sẽ quá muộn. Họ cho rằng Nga chỉ lấy lại vùng đất vốn là của Nga là Crimea chứ không thôn tính đất của nước khác. Những quan điểm này giống với những gì mà truyền thông Nga nói. Họ tin Nga như tin LX vậy. Họ thích Putin cũng như họ thích nhân vật tình báo LX hoạt động trong hàng ngũ Đức trong serie phim truyền hình LX "17 khoảnh khắc mùa xuân" . Họ cho rằng Putin vốn là đảng viên ĐCS LX nên là "đồng chí", có thể tin tưởng được. Có lẽ biết thế nên Putin "láu cá" khi gặp lãnh đạo VN thường gọi họ là "đồng chí" để gây cảm tình. Họ cho dân chủ chỉ là chiêu bài của Mỹ để can thiệp vào nội bộ nước khác. Nhóm trẻ thường có quan điểm khác. Họ nhìn sự "lộn xộn" ở các nước dân chủ chính là biểu hiện của dân chủ vì dân được tự do thể hiện quan điểm của mình, chứ không phải lúc nào cũng tuân thủ chính quyền. Tương tự như thế, họ thấy trật tự và ổn định ở các xã hội như TQ, VN là vì dân không được tự do có ý kiến riêng của mình. Họ thấy Ucraine có quyền quyết định đường lối chính trị của mình không phụ thuộc vào ý muốn và ép buộc của nước khác, dù đó là một nước hàng xóm hùng mạnh. Đó không phải là sự đe dọa, là sự nguy hiểm cho nước láng giềng. Đó chính là quyền được độc lập tự do, như lời Cụ Hồ từng nói. Vì thế sự ép buộc của Nga là vô lý và "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Putin là cuộc xâm lược tàn bạo, không thể biện minh. Họ không cho là Ucraine "dại" đi theo phương tây nên tự chuốc họa vào thân. Đại để đó là quan điểm của nhóm trẻ trong đó có cả một số ít người lớn tuổi nhưng vượt ra ngoài đám đông thế hệ họ. Nhóm "cuồng Nga" có lẽ như vẫn sống ở thời còn LX. Ảo tưởng đó khá là dai dẳng. Nhưng giấc mơ đó sớm muộn sẽ kết thúc bởi LX tan rã đã hơn ba thập kỷ rồi. Nga ở thời Putin đã trở thành một đế quốc hung bạo thậm chí có thể so sánh với Đức Quốc xã. Nga thậm chí còn nguy hiểm hơn vì có vũ khí hạt nhân và đang đe dọa có thể sử dụng nếu cần. Trên đây là chỉ nói về những người dân bình thường. Tầng lớp lãnh đạo chính trị có thể có quan điểm khác từ những cân nhắc an ninh, quốc phòng, ngoại giao hay hay kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét