Đó là cụm từ mà những người "phía bên kia" dùng để nói về những cuộc di cư lớn ở Việt Nam như cuộc di cư của một triệu người công giáo miền Bắc vào Nam năm 1954 hay hai triệu người Việt từ miền Nam sang Mỹ và các nước Phương Tây sau 1975. Thực ra đó là chuyện thường xảy ra khi một nước gặp những bất ổn lớn về chính trị, kinh tế hay do thiên tai. Thế giới đang chứng kiến một cuộc "bỏ phiếu " như thế ở nước Nga. Sau khi tt Putin ra lệnh tổng động viên, cuộc "bỏ phiếu" bắt đầu và ngày càng lan rộng. Vé máy bay những chuyến gần nhất sang các nước còn cho người Nga nhập cảnh không cần visa đã nhanh chóng hết sạch dù giá vé tăng vọt lên gấp nhiều lần so với bình thường. Trừ mấy nước Baltic, còn lại thì ở các nước có biên giới chung với Nga như Phần Lan, Gruzia, Kazakhstan, Mông Cổ đều có một cảnh tượng chung là những dòng xe kéo dài nhiều cây số chen kín những con đường dẫn đến cửa khẩu vào các nước này. Những người bỏ chạy khỏi nước Nga - họ là ai? Đó trước hết là những người thuộc diện phải nhập ngũ. Theo lý thuyết thì sẽ có khoảng 300.000 người phải nhập ngũ. Thực tế có thể lên tới cả triệu người. Nước Nga dầu sao vẫn chưa phải là Bắc Triều Tiên để có thể dễ dàng nhồi vào đầu dân những thứ vô lý như Nga tấn công Ucraine là để bảo vệ người Nga sống ở đó khỏi sự áp bức của chính quyền phát xít ở Kiev. Ở thời đại internet và với một dân trí khá cao, nhiều người dân Nga hiểu rằng Nga đang xâm lược Ucraine để phục vụ mục đích bành trướng đế quốc của tập đoàn đang cai trị nước Nga đứng đầu là Putin. Họ hiểu rõ rằng Putin đang không tiếc xương máu của dân Nga mà trước hết là họ cho cuộc chiến tranh tàn bạo và vô nghĩa ở Ucraine. Vì thế trong lúc còn chưa đủ lực lượng để đối đầu trực diện với chính quyền Putin, cách tốt nhất hiện nay là chạy trốn ra nước ngoài. Điều khá lạ lùng là thay vì xua đuổi dân "tị nạn" Nga, các nước trên lại làm điều ngược lại : Họ chào đón và tạo điều kiện cho những người tị nạn này sớm ổn định cuộc sống ở nước họ. Chính quyền và dân những nước này không "ngu" như ta tưởng đâu. Những người Nga tị nạn này không giống như dân tị nạn chiến tranh và đói nghèo từ một số nước Châu Phi hay Trung Đông, những người đến với hai bàn tay trắng, không tiền bạc, không nghề nghiệp, trông chờ vào trợ cấp nhân đạo của nước sở tại. Dân tị nạn Nga thì khác. Họ có tiền để chi trả cho việc ổn định cuộc sống thời gian đầu. Họ có nghề nghiệp, chuyên môn kỹ thuật và kinh doanh để có thể tham gia tích cực vào nền kinh tế nước tiếp nhận họ. Họ dễ dàng hòa nhập với văn hoá bản địa vì các nước này, trừ Phần Lan, đều từng là một phần của Liên Xô, với ngôn ngữ chung là tiếng Nga. Như vậy, về thực chất, dân tị nạn Nga có thể là một nguồn đóng góp nhân lực và vốn đáng kể, một loại FDI bỗng dưng "ở trên Trời" rơi xuống. Ngoài ra, chính phủ và dân những nước này lại còn được tiếng là tử tế và nhân đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét