Chính phủ mới của Mỹ đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì đã gây ra những phản ứng mạnh trong nước và trên thế giới. Đúng sai thế nào thì có lẽ phải cần thêm thời gian mới rõ được. Tuy nhiên, người ta có thể thấy cách nước Mỹ - quốc gia giàu mạnh và có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới hoạt động thế nào. Họ đã bầu ra tổng thống. Ông ta có được số phiếu bầu theo quy định sau khi ông ta thuyết phục được dân Mỹ về những gì ông ta sẽ làm nhằm "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" như xưa. Dân Mỹ đã trao cho tổng thống quyền lực lớn cùng ngân sách và phương tiện để thực hiện mục đích đề ra. Nhưng giữa lời nói và việc làm luôn có sự khác biệt. Đó có lẽ là bình thường vì "nói dễ làm khó" mà. Việc gì thì cũng luôn có người ủng hộ, kẻ phản đối vì không có cách gì để làm vừa lòng tất cả được. Ví dụ có sự phản đối việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp nhưng có vẻ như đa số không phản đối nên việc đó vẫn được tiếp tục. Về đối ngoại thì có sự phản đối dữ dội chống lại ý định mua đảo Greenland hay nhất là việc Mỹ sẽ "sở hữu" dải Gaza, chuyển gần hai triệu dân ở đó đi nơi khác và xây dựng vùng đất ấy thành một "Riviera của Trung Đông". Dân Mỹ cũng có lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, những việc như thế là "không thể chấp nhận được"đối với nước ngoài chứ dân Mỹ thì vẫn "ăn ngon ngủ yên" như thường. Họ có tâm lý "siêu cường" của "Đế Quốc Mỹ " mà. Cái gì áp đặt được lên nước khác mà dân Mỹ thấy "có lợi" thì họ không phản đối, thậm chí kể cả khi những việc đó bị coi là thiếu đạo đức hay vi phạm luật pháp quốc tế. Hay như việc chấm dứt hoạt động của USAID - cơ quan viện trợ Mỹ thì dân Mỹ có vẻ cũng "cho qua" vì họ có vẻ không biết rõ cơ quan này làm gì và không chắc là cái đó có lợi cho dân Mỹ, dù cho việc chấm dứt viện trợ này có thể bị coi là "tàn nhẫn và vô nhân đạo" đối với những người đang hưởng lợi. Tương tự như thế, việc "đụng đến " FBI và CIA cũng không gây ra phản ứng mạnh nào bởi những cơ quan này thường hoạt động trong "bóng tối " và không ai biết chúng tiêu hết bao nhiêu tiền. Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Khi người ta bắt đầu "đụng đến" kho bạc Mỹ và thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ như số an sinh xã hôi, tài khoản cá nhân, v.v. thì người Mỹ lập tức "nổi điên" lên, dù cho mục đích có thể là làm cho chi tiêu công "hợp lý" hơn. Các cuộc biểu tình phản đối nổ ra và có vẻ đang lan rộng. Cơ chế "hãm phanh" những hành động vượt quá "vạch đỏ" dường như đã được bật lên và bắt đầu có tác dụng. Sơ bộ thì có thể thấy rằng dù tổng thống - và đặc biệt là vị siêu bộ trưởng "hiệu quả chính phủ" - tỷ phú giàu và giỏi nhất thế giới - có quyền lực lớn đến đâu và sẽ làm gì đi nữa thì vẫn không thể làm những gì mà đa số dân Mỹ không thích và không cho phép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét