Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Miền Bắc, Miền Nam



Miền Bắc Việt Nam là vùng đất cổ xưa với nền văn hóa hàng ngàn năm. Làng quê Bắc Việt có từ lâu đời, với những mái đình rêu phong cổ kính, cây đa rậm rì già cỗi chằng chịt dây leo còn hiện diện khắp nơi, thậm chí ngay ở nhiều phố cổ Hà Nội vốn cũng là những phường xã thời xưa. Dân Bắc ở đây lâu đời, sinh sôi mãi nên ruộng đất, làng xóm, phố phường ngày càng chật hẹp. Nếp sống, phong tục, lối suy nghĩ, văn hóa đã hình thành từ lâu trong dân Bắc, đa phần biến thành những tinh hoa văn hóa mà cũng có phần thành hủ tục lạc hậu khó bỏ. Đất Bắc là cái nôi văn hóa, là nơi sinh ra hầu hết các danh nhân Việt Nam. Nam Bộ Việt Nam là vùng đất mới hơn, được các vua chúa gốc Bắc chinh phục và khai phá từ khoảng 300 năm trước đây. Đất đai rộng, màu mỡ, khí hậu ôn hòa hơn lôi cuốn dân nghèo từ nhiều vùng phía Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa vào sinh sống. Dân mới này dần dần hòa đồng với dân bản địa cũ như người Khơ-me. Cuộc xâm lược của người Pháp vào giữa thế kỷ 19 biến Nam Bộ thành một dạng “nước Pháp Hải Ngoại ” do người Pháp trực tiếp cai trị. Sau khi người Pháp ra đi, Nam Bộ lại thành một thứ mà có người gọi là “thuộc địa kiểu mới” của Mỹ. Có lẽ những đặc điểm địa lý, dân cư, kinh tế và chính trị này giúp tạo nên một Nam Bộ có phần nào na ná như Hoa Kỳ, xứ sở của người nhập cư từ khắp thế giới đến. Người Nam Bộ thường ít sâu sắc, căn cơ, cần cù, chịu đựng, mưu lược như dân Bắc, nhưng lại giản dị, xuề xòa, tự do, phóng khoáng, rộng rãi, dễ tính, vui sống hơn. Sự khác biệt vốn có giữa hai miền Bắc Nam lại càng tăng lên bởi 20 năm chia cắt hoàn toàn từ 1954. Miền Nam như một ngôi nhà cửa mở rộng cho mọi thứ bên ngoài lọt vào, hay dở có cả cho người ta tùy chọn. Miền Bắc thì lại như một ngôi nhà đóng kín cửa, gìn giữ được những cái tốt đẹp của văn hóa truyền thống lâu đời nhưng lại ngăn cả những cái tiến bộ của thế giới. Dân Bắc sau năm 1975 vào Sài Gòn thường dễ bị “choáng” – vừa thích thú vừa kinh hãi cái lối sống vật chất xô bồ Âu-Mỹ hóa, những phố phường hào nhoáng, cửa hàng tràn ngập xe máy, tivi, tủ lạnh … là những thứ ở Miền Bắc không có, thậm chí những từ đó cũng chưa có trong ngôn ngữ hàng ngày của dân Bắc. Sài Gòn có một phố khá đặc biệt mà có lẽ các thành phố Việt Nam, kể cả Hà Nội không có. Đó là phố sách Calmette ở ngay trung tâm. Dân “sách vở” Bắc Kỳ sau năm 1975 mà lạc vào phố này thì không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp bởi họ vốn chỉ quen với sự nghèo nàn về số lượng, chủng loại, sự thấp kém về chất lượng giấy, in ấn, trình bày, màu sắc và sự khô khan về nội dung của sách vở Miền Bắc lúc đó. Mang tiếng là dân đất văn hóa, học hành mà nhiều trí thức Hà Nội vào đến đây mới được cầm những quyển sách vốn do chính những tác giả người Bắc viết mà trước đây họ mới chỉ nghe nói đến qua những bài “phê bình” nhạt nhẽo một chiều của các nhà phê bình vốn không được phép nói ý kiến riêng của họ. Ấy là chưa nói đến cơ man nào là những kiệt tác của thế giới, bản dịch cũng như nguyên tác. Cái cách người ta bán sách cũng lạ với người Bắc. Sách người ta không cất trong tủ, sau quầy bán như ở Hà Nội lúc đó mà bày ngay trước mặt người mua. Bạn có thể la cà cả ngày, xem hết quyển này sang quyển kia, hết hàng này sang hàng kia, từ đầu đến cuối phố, không mua thì thôi, người bán sách không kêu ca gì hết. Một anh chàng trí thức nghèo đất Hà Nội sẽ “khoái” cái cách ấy lắm, bởi có thể xem “hàng” rất kỹ trước khi mua. Anh ta chỉ mua một quyển sách nếu nó có thể đọc đi đọc lại, thành một thứ “gối đầu giường”, chứ ít khi mua cái thứ đọc một lần rồi bày lên tủ sách ở phòng khách để khoe, hoặc vứt vào gầm giường hay cất lên giá sách cho bụi bám. Chính ở cái chợ sách này mà có người tìm ra những “quyển sách của cuộc đời mình” làm thay đổi cách người ta suy nghĩ và sống. Tuy Nam Bộ không có nhiều tác giả như Bắc Kỳ nhưng lại có vài người thuộc loại “bách khoa toàn thư ” Đông Tây kim cổ mà xứ Bắc cũng hiếm. Nếu BBC tiếng Việt vừa rồi mà không đăng một bài thì ít người biết năm nay là 100 ngày sinh nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Ông gốc Bắc, nhưng cả đời ở Nam Bộ nên có thể nói ông là tinh hoa của Miền Nam. Nếu ở đời có những người ta phải biết ơn vì có công làm ta bớt “vô minh” thì Ông là một người như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét