Vừa có chuyện một đoàn cấp Bộ về tỉnh Vĩnh Phúc để thanh
tra về xây dựng. Ở một huyện, có vẻ như đoàn “đánh hơi” được một số điều bất
bình thường. Ví dụ như tại sao một công ty khá nhỏ mà lại liên tục được địa
phương trao nhiều hợp đồng bao gồm một số có giá trị khá lớn. Báo chí nói đoàn
dường như đã đòi một khoản tiền khá lớn - khoảng hơn 20 tỷ đồng (1 triệu USD) –
có thể hiểu rằng đó là cái giá để bỏ qua vụ việc này. Đối với một anh taxi, một
bà bán hàng ở chợ hay một bác về hưu đang chơi cờ ở công viên, đây là chuyện “biết rồi – khổ lắm – nói mãi”. Tham
nhũng ngày nay đã thành chuyện bình thường, chuyện hàng ngày. Người dân không
chỉ “nghe nói” mà đa số họ đều đã từng bị viên chức chính quyền “vòi tiền” như
vậy. Cái nguy kịch ở đây là người ta dường như đã chấp nhận chuyện đó và chung
sống với nó. Cái chuyện “thường ngày” này có từ bao giờ? Truyện Kiều có chuyện
gia đình Thúy Kiều bị vu oan, bị sai nha tra khảo, đánh đập cho đến khi hiểu ra
rằng “có ba trăm lạng việc này mới xong”.
Tục ngữ cổ Việt Nam có câu Nén bạc đâm
toạc tờ giấy. Thời thuộc địa Pháp, nhà văn Nguyễn Công Hoan có kể chuyện
một vị quan cấp dưới cho vợ mình đi “hầu hạ” vị quan cấp trên để mong lên chức.
Như vậy, tham nhũng là chuyện vẫn có từ xưa, từ thời phong kiến. Khi đó, ông
quan huyện toàn quyền quyết định mọi việc trong huyện của ông ta. Tương tự, ông
quan tỉnh có toàn quyền trong tỉnh mình. Ông vua có toàn quyền trong nước. Vua
được coi là “con Trời”, thay Trời cai trị dân. Ý vua là ý Trời. Các quan có thể
“khuyên can” vua nhưng không có quyền quyết định. Ít ai dám can ngăn vua vì có
thể bị mất chức, thậm chí mất mạng. Vị nào quyết liệt hơn thì chỉ còn cách “treo ấn từ quan”, về quê ở ẩn, sống
nghèo khổ. Công cụ ngăn ngừa tham nhũng ở thời ấy có lẽ chủ yếu là những lời
dạy của Nho Giáo như “phú quý bất năng
dâm” – đại ý là giàu sang tiền bạc không thể làm lung lạc. Nhưng đối với đa
số, tiền bạc sang giàu vẫn hấp dẫn hơn đạo lý người quân tử. Sau thời phong
kiến – thuộc địa là cuộc chiến tranh 30 năm.Trong chiến tranh, quan tâm hàng
đầu của người ta là “sống sót”, chứ không phải là tiền bạc. Vì thế mà chuyện
tham nhũng hầu như không có. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, khoảng thời
gian 10-15 năm sau đó là thời kỳ nghèo đói nhất. Kinh tế kiệt quệ nên cuộc sống
vẫn chỉ là làm sao tồn tại với khẩu phần lương thực vô cùng ít ỏi được chia đều
cho mọi người. Không còn gì để tham nhũng cả. Sang thời kỳ “đổi mới”, kinh tế
và sở hữu tư nhân bắt đầu được cho phép và khuyến khích. Người ta được tự do
làm giàu. Như con quỷ thoát ra sau khi bị nhốt kín suốt thời kỳ chiến tranh và XHCN
“bao cấp”, lòng tham nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí thống trị. Tiền bạc trở
thành quan tâm hàng đầu. Nhưng xã hội lại không có công cụ hữu hiệu nào để kiểm
soát lòng tham ấy. Xã hội về cơ bản trở lại giống như thời phong kiến. Cái khác
nói nôm na là thay vì một ông vua thì nay là một vị “vua tập thể”, một nhóm
người. Có “vua lớn” ở cấp quốc gia, “vua nhỡ” ở tỉnh, “vua con” ở huyện xã. Tư
duy vẫn như cũ, nghĩa là làm vua là để cai trị chứ không phải là phục vụ. Không
có cơ chế nào hữu hiệu để giám sát các vua cả. Cách quản lý như thế là môi
trường màu mỡ cho việc lạm dụng quyền lực mà tham nhũng là phổ biến nhất. Đồng
tiền lên ngôi chúa tể, đạo lý Nho Giáo
truyền thống trọng nghĩa khinh tài không còn. Gần đây, có lẽ vì tham nhũng quá
trầm trọng, người ta bắt đầu trừng phạt một số vụ lớn. Khó có thể đo lường tác
dụng của “chiến dịch” này. Việc vừa xảy ra ở Vĩnh Phúc có thể là một dấu hiệu
cho thấy tác dụng của những trừng phạt ấy là chưa đủ để răn đe. Vậy phải làm
gì? Các
nghiên cứu về tham nhũng thường chỉ ra biện pháp “3 không”: Phải làm sao để
người ta (1) không cần tham nhũng; (2) không muốn tham nhũng; (3) không thể
tham nhũng. Có thể hiểu đại khái là một viên chức nhà nước có lương tốt sẽ
không cần tham nhũng. Người đó sẽ không muốn tham nhũng vì lý do đạo đức, sợ bị
trừng phạt. Người đó sẽ khó có thể tham nhũng do xã hội có cơ chế kiểm soát
chặt chẽ và hữu hiệu. Như vậy sẽ phải cải thiện thu nhập cho công chức, tăng
cường giáo dục cho trẻ em và các biện pháp trừng phạt. Cuối cùng – điều khó và
quan trọng nhất – là thay đổi cơ chế quản lý xã hội để có thể giám sát chặt chẽ
và hữu hiệu hoạt động của viên chức nhà nước. Đã có biết bao nhiêu khóa học
tập, tham quan, khảo sát, hội thảo trong ngoài nước, bao nhiêu dự án, bao nhiêu
chuyên gia giỏi nhất đã đến rồi. Thế giới có rất nhiều mô hình chống tham nhũng
hiệu quả mà các cơ quan có trách nhiệm hẳn đã đến học hỏi và tham khảo rồi. Như vậy là người ta đều biết cả rồi và rất rõ
nữa. Người ta hẳn cũng biết rõ vướng mắc nằm ở chỗ nào nhưng không ai dám nói
ra cả. Người ta sợ. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì tham nhũng sẽ bào mòn hết
nguồn lực tinh thần và vật chất của xã hội. Đất nước sẽ tụt hậu, thậm chí có
thể sụp đổ. Phải chăng đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng mới – có người gọi
là “Đổi Mới 2”. Cuộc đổi mới 1986 cơ bản chỉ là kinh tế. Đổi Mới 2 sẽ phải
là toàn diện. Trong diễn văn nhậm chức, vị tổng thống mới của Ucraina có nói
đại ý rằng tại các cơ quan nhà nước đừng treo ảnh ông mà hãy để ảnh con cái
mình, để mỗi sáng mỗi người nhìn vào ảnh chúng và tự hỏi mình có muốn chúng
được thừa kế một đất nước văn minh và phồn vinh hay không, hay là để chúng phải
nguyền rủa cha anh vì để lại cho chúng một đất nước bất công, tham nhũng, hỗn
loạn và nghèo khổ. Đã có đủ mọi điều kiện cho cuộc Đổi Mới 2. Cái còn thiếu là
sự dũng cảm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét