Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Ai may hơn?

Khi những dòng này đang được viết ra, Hà Nội đã vào giữa thu. Bầu trời xanh thẳm cao vút. Những con đường mát rượi che phủ bởi vòm lá xanh ngắt rực sáng dưới nắng ấm. Phố xá tấp nập xe cộ. Những chiếc xe tải nhỏ chở đầy bia tới những hàng quán để phục vụ khách xem đội Việt Nam sắp đá trận tiếp theo vòng loại World Cup 2022 qua những màn hình TV cỡ lớn. Cũng vào lúc này, ở một nơi cách Hà Nội có lẽ khoảng mười ngàn km về phía tây bắc, xích xe tăng đang rít lên ken két trong tiếng rền vang của đại bác, tên lửa, chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ nã bom đạn vào làng xóm của người Kurd ở phía nam nước Thổ. Xưa nay, các nước nhỏ yếu vẫn thường bị các nước lớn xâm chiếm và áp bức. Trong hoàn cảnh đó, dân những nước nhỏ yếu không có khát khao nào hơn là được độc lập tự do. Họ chiến đấu với hy vọng quê hương sẽ lại được giải phóng. Với người Kurd, hoàn cảnh hiện tại cũng tương tự và lại còn khó khăn gấp bội. Trong nhiều thế kỷ, dân Kurd vốn là những bộ lạc, sống du mục trên một vùng đất mà nay thuộc lãnh thổ của Thổ nhĩ Kỳ, Syria và Irac. Với ngôn ngữ và văn hóa riêng, họ cứ sống như thế mà chưa từng lập ra một quốc gia riêng của mình. Có thể vì thế mà họ bị coi là những kẻ sống nhờ, thường bị xua đuổi và đàn áp. Dân Kurd không có một vùng đất riêng của mình để mà nhớ về như là quê hương, là quê cha đất tổ, là nơi mà họ có thể thề sẽ trở về để giải phóng. Là những chiến binh dũng cảm và thiện chiến, với sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, họ đã ngăn được sự bành trướng của Nhà Nước Hồi Giáo IS tàn bạo. Giờ đây, khi mà IS không còn là mối đe dọa lớn nữa, các đồng minh của người Kurd bắt đầu trở mặt. Dân Kurd vẫn luôn có một ước mơ cháy bỏng là lập nên một quốc gia của mình trên chính vùng đất mà họ đã từng sống nhiều thế kỷ. Giờ đây, khi người Kurd dường như đã mạnh lên sau cuộc chiến với IS, ước mơ lập quốc đó của họ lại tiếp tục là mối đe dọa về lãnh thổ với các nước xung quanh, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ thì đang rút lực lượng của mình sau khi tuyên bố chấm dứt sự ủng hộ của họ với người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Lãnh đạo nước Mỹ luôn có những tính toán trong từng bối cảnh cụ thể họ tin là “có lợi cho Mỹ” nhất, kể cả khi có thể bị coi là phản bội lại những cam kết trước đây, kể cả ở cấp cao nhất. Dân Kurd lại tiếp tục chịu đau thương dưới bom đạn của Thổ và sự đồng lõa của Mỹ. Người Kurd chỉ còn một con đường là tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài cho độc lập tự do của mình.

Với ba chục năm chiến tranh ác liệt, hàng triệu người chết, bom đạn chưa nổ và chất độc vẫn còn gây chết người đến tận hôm nay, khó mà nói là dân Việt còn “may” hơn người Kurd. Nhưng thực tế là người Việt có một vùng đất không nhỏ, một vùng biển rộng lớn mà cha ông để lại. Dù có đi đâu, sống giàu có, thành đạt đâu đó ở xứ người, ta vẫn có một nơi chốn thiêng liêng sâu thẳm trong lòng để nghĩ về, nhớ về, nhất là khi người ta không còn trẻ nữa và khi người ta có một tấm lòng, như cách nói của Trịnh Công Sơn. Đó là một góc phố nhỏ cũ kỹ hồi bé ta chơi đùa với chúng bạn. Đó là gốc đa đầu làng ta ngồi nghỉ dưới bóng mát khi trở về từ đồng ruộng. Đó là con suối nhỏ đầy đá cuội trưa hè ta ngồi cho nước mát chảy qua, vô tư lự nghe chim hót trong lùm cây cao. Đó là nơi cha mẹ ta yên nghỉ trên một ngọn đồi nhỏ yên tĩnh, bên một con sông lặng lẽ chảy về xuôi. Người Việt chắc là ai cũng có những “nơi chốn” như thế, dù họ có thể không đồng ý với nhau nhiều thứ, nhất là chính trị. Cho nên, nói chuyện người khác là để có lòng thương cảm với họ, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn như người Kurd. Chuyện người khác cũng thường giúp ta nhìn lại mình, hiểu mình hơn, quý nhưng gì ta có hơn là phàn nàn về thứ ta không có.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét