Trong Thế Chiến 2, nước Pháp, quê hương của Tự Do – Bình Đẳng –
Bác Ái bị nước Đức phát-xít giày xéo. Phải nhờ quân đồng minh, nước Pháp mới lại
được tự do. Nhưng chính phủ Pháp khi đó không chịu hiểu một điều là tự do cũng
không kém phần quý báu đối với các dân tộc thuộc địa Pháp, trong đó có Việt
Nam. Vừa thoát khỏi gót giày Hit-le, Pháp đã vội vã đưa chiến hạm và đội quân
xâm lược trở lại Việt Nam.
Trước tình thế gay go ấy, tháng 12/1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh của
nước Việt Nam non trẻ vừa mới giành được độc lập một năm trước đó đã kêu gọi
toàn thể nhân dân Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của Pháp. Với hy vọng độc lập
tự do thiết tha, hàng triệu người Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi ấy.
Trong số đó có một đôi vợ chồng trẻ với một bé gái nhỏ. Anh vốn
là một chàng trai Hà Nội, học sinh trường Bưởi – trường trung học dành cho những
học sinh người Việt xuất sắc nhất ở miền bắc thời bấy giờ. Yêu văn hóa Pháp,
anh thuộc lòng những bài thơ lãng mạn của Rimbaud và Verlaine, những đoạn văn của
Victor Hugo và Anatole France. Chị vốn là nữ sinh trường Công Giáo Sainte
Marie. Chị thích những bản tình ca Pháp như C’est
à Capris hay bài dân ca vui vẻ Quand
on est matelot.
Nhưng cái mà Anh yêu hơn cả là tinh thần Tự Do của Cách Mạng
Pháp 1789. Cái sâu sắc nhất thấm vào con người Chị lại là tinh thần của Chúa
Giê-su, bình thản chịu đựng mọi khó khăn vất vả của cuộc đời. Bỏ lại nhà cửa và
cuộc sống êm ấm ở Hà Nội, với hai bàn tay trắng và một cô con gái nhỏ, họ lặn lội
lên núi rừng Việt Bắc, tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Suốt
9 năm ở chiến khu, hai người đã chịu đựng muôn vàn thiếu thốn, đói rét, bệnh tật,
bom đạn chiến tranh, cố gắng làm tốt một công việc bình dị là dạy học cho các em
nhỏ ở khắp các vùng rừng núi Bắc Việt Nam.
Dường như có một sức mạnh kỳ lạ đã giúp hai con người mỏng manh ấy
vượt qua những khó khăn mà ngày nay chúng ta khó mà hình dung được. Sức mạnh ấy
chính là tình yêu thương, lòng chung thủy và khát khao trở về thành phố quê
hương thân yêu. Cặp vợ chồng trẻ ấy chính là Cha Mẹ chúng ta, Ông Bà của các
con chúng ta và Cụ Ông Cụ Bà của các cháu chúng ta.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ông. Ông sinh
ngày 8/10/1919 tại Hà Nội. Các cụ thân sinh Ông gốc gác ở làng Nhị Khê, huyện
Thường Tín, Hà Đông. Cụ ông lúc trẻ làm nghề khắc dấu, một nghề truyền thống của
Nhị Khê, sau làm nghề bốc thuốc. Cụ bà là một phụ nữ Việt Nam truyền thống, cả
đời lo việc gia đình phục vụ chồng con. Cụ ông phải bôn ba kiếm sống nên từ nhỏ,
Ông ở với anh cả là Bác Đoan, làm công chức ở Hà Nội, người đã nuôi Ông ăn học
cho tới khi học xong trường Bưởi và đi làm. Sau đó Ông gặp Bà, khi đó là nữ
sinh trường Sainte Marie ở Hà Nội.
Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, cuối năm 1954, Ông Bà cùng 3
con đã theo đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô. Từ đó, ông tiếp tục công tác
giáo dục, từ dạy cấp 1, biên soạn sách giáo khoa, xuất bản, nghiên cứu, đào tạo
giáo viên tiểu học. Sau nghỉ hưu năm 1975, ông tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động của
quỹ nhi đồng LHQ UNICEF tại Việt Nam.
Có lẽ cái chất giản dị, thanh bạch, quân tử của Nguyễn Trãi, một
người cùng làng Nhị Khê nhiều thế kỷ trước đã phần nào truyền lại tới tận đời
Ông. Thời trẻ tuy có học nhiều ngôn ngữ
và văn hóa Pháp, Ông vẫn mang phẩm chất của một nhà nho. Nghèo mà không hèn - lời dạy
đó của các bậc thánh hiền xưa là nguyên tắc sống của đời Ông. Dù nghèo, Ông
chưa bao giờ vì tiền bạc mà bỏ nhân cách. Ông suốt đời đọc sách vì đối với Ông,
hiểu biết là niềm vui mà dốt nát là nỗi khổ. Ông là người giản dị, thân mật, dí
dỏm và chu đáo. Ai đã tiếp xúc với Ông đều nhớ nụ cười trong sáng và đôn hậu của
Ông.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Ông hôm nay, chúng ta nhớ tới Ông và
Bà với tràn đầy tình yêu và lòng biết ơn. Ông Bà không chỉ sinh ra và nuôi dưỡng
mà còn dạy dỗ chúng ta nên người. Ông dạy dỗ chúng ta bằng những trang sách Tập
Đọc lớp 1 mộc mạc đầu tiên cho tới những trang Hồi Ký cuối đời. Bài học quan trọng
nhất không phải là viết cho văn vẻ hay làm toán cho đúng mà là học để thành NGƯỜI.
Bài học vô giá ấy Ông Bà đã dạy bằng chính cuộc đời mình.
Hà Nội, 8/10/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét