Chính trường và truyền
thông Mỹ lại ồn ào bởi cuộc đua mới giành chức tổng thống với các ứng viên đua
nhau trình bày những hứa hẹn của mình và chê bai các đối thủ. Rốt cục rồi một
người trong số họ sẽ trúng cử, sẽ ồn ào ăn mừng thắng lợi, sẽ thực hiện – hay
làm ra vẻ thực hiện lời hứa “nếu được bầu,
tôi sẽ …”. Rồi dân chúng sẽ lại bắt đầu thất vọng và phê phán, rồi xong nhiệm
kỳ và một cuộc đua mới lại bắt đầu. Ngoài ra, mọi việc thì vẫn như cũ - nói
theo kiểu Mỹ là “business as usual”. Nhưng
người Mỹ có vẻ đã chán ngán kiểu cũ rồi. Đó là cái kiểu mà 400 người giàu nhất
nước Mỹ có tổng tài sản còn nhiều hơn 150 triệu người Mỹ có thu nhập thấp nhất,
nghĩa là tới một nửa dân số. Năm 2011, sự bất bình đã tràn bờ thành phong trào
“Chiếm phố Wall” – một cuộc phản
kháng lan khắp nước Mỹ, rồi sang cả các nước tư bản phát triển khác. Sự bất
công “kẻ ăn không hết, người lần không ra”
có từ xa xưa ấy 150 năm trước đây đã từng làm Karl Marx trăn trở tìm cách thay
đổi. Ông đưa ra ý tưởng xóa bỏ “giai cấp bóc lột” và thay vào đó bằng sự cầm
quyền của “giai cấp vô sản”. Lê Nin đã biến nó thành hiện thực ở nước Nga năm
1917. Cuộc cách mạng xã hội to lớn này đã có lúc tưởng chừng như “không thể đảo
ngược” được ấy cuối cùng lại thất bại ngay tại quê hương của nó sau khi Liên
Bang Xô-Viết, “thành trì của chủ nghĩa xã hội” bất ngờ sụp đổ vào năm 1991. Vài
nước còn sót lại của “phe xã hội chủ nghĩa” vội vã lái con thuyền có lẽ cũng sắp
chìm của mình ra khỏi vùng nước xoáy và tìm một con đường “mới” mà kỳ thực là
không có gì mới bởi các nước tư bản đã đi con đường này hàng trăm năm qua.
Nhưng không biết vì họ nuối tiếc cái ảo mộng đẹp “xã hội chủ nghĩa” hay là sợ mất
quyền lực và bổng lộc mà họ đang có, có lẽ là cả hai, họ vẫn giữ hệ thống chính
trị theo kiểu cũ mặc dù nó đã bộc lộ ra những lỗi hệ thống nghiêm trọng như thiếu
minh bạch, mất dân chủ, tham nhũng tràn lan. Những vấn đề mà cơ chế XHCN để lại
này lại làm trầm trọng hơn cái sự “kẻ ăn
không hết, người lần không ra” của những xã hội xưa mà vẫn chưa có cách giải
quyết. Tức nước thì vỡ bờ. Câu chuyện cũ đó có vẻ là điều đang xảy ra, tuy còn ở
mức độ nhỏ lẻ. Nếu không có những thay đổi cơ bản trong mô hình xã hội, những biến
động vừa xảy ra năm 2011 ở một loạt các nước A-rập sớm muộn sẽ lặp lại. Nhưng “mùa xuân” năm ngoái sẽ đưa các nước A-rập
tới đâu thì chẳng ai biết. Xưa kia người ta đã từng tin tưởng rằng những “lãnh tụ
thiên tài” như Marx và Lê-Nin đã đưa loài người sang một con đường mới để tới được
một tương lai tươi sáng. Nay thì có vẻ người ta đã nhận ra sự hạn hẹp của trí óc
con người, nhất là trong các vấn đề xã hội. Tháng Giêng ở Việt Nam có nhiều lễ hội
tới mức người ta không đếm nổi có bao nhiêu lễ hội và bao nhiêu người đi dự hội.
Nhưng có một vài điểm chung dễ nhận thấy là ở đâu người ta cũng dâng lễ vật, khấn
vái để cầu xin một thứ gì đó vật chất hay tinh thần, hoặc cả hai. Ở vào cái thời
buổi hỗn mang, thật giả lẫn lộn, cuộc đời đầy lo lắng, khổ đau và bất an này, người
ta biết tin ai và tìm đâu ra một chỗ dựa khá hơn là thần quyền, dù đó là Trời, Phật, Chúa hay
Thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét