Tổng số lượt xem trang
Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012
Lev Tôn-xtôi
Lev Tôn-xtôi (1828-1910) - có lẽ là nhà văn vĩ đại
nhất mọi thời đại - cả đời mình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Ở tuổi 20, khi còn là
sinh viên, chàng thanh niên Tôn-xtôi nhận ra rằng việc học những kiến thức vô
bổ chán ngán ở trường cốt để có những tấm bằng và giấy chứng nhận chẳng phải là
thứ anh quan tâm. Anh bỏ học khi mới ở năm thứ hai đại học Kazan để đi tìm con
đường của mình. Một người thông minh, lý tưởng và ý chí như anh hẳn thừa rằng
biết là một cuộc sống ăn chơi trác táng là thứ vô nghĩa nhất. Nhưng anh vẫn
muốn thử hết mọi thứ ăn chơi, từ rượu chè, trai gái đến cờ bạc có lẽ vì anh
muốn chính mình kiểm chứng điều đó chứ không phải là chỉ "nghe người ta nói". Sau đó anh tình
nguyện vào quân đội, tham gia trận chiến ác liệt tại vùng Cri-mê chống lại cuộc
xâm lăng của nước ngoài. Anh chứng kiến lòng yêu nước và dũng cảm của những
người lính Nga vốn là nông dân bình dị và cũng nhận ra sự bi thảm và vô nghĩa
của chiến tranh khi những thanh niên trẻ, vốn đều là người hiền lành tử tế bỗng
nhiên lao vào bắn giết nhau để phục vụ cho cái mà sau này anh gọi là những âm
mưu để bóc lột và tha hóa nhân dân của kẻ thống trị. Có lẽ anh đã suy nghĩ rất
nhiều về những điều này. Anh cho rằng cách suy nghĩ tốt nhất là phải viết ra.
Và thế là anh đã viết ra bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ nhất trong lịch sử văn học
thế giới: Chiến Tranh và Hòa Bình. Nhiều người chúng ta có lẽ còn không
đủ can cảm chỉ để đọc cuốn sách này, bởi nó quá lớn với hơn 1500 trang, với
khoảng 500 nhân vật. Một nhân vật chính là chàng thanh niên Pie Bêzukhov có lẽ
chính là hình ảnh của Tôn-xtôi. Anh là một thanh niên quý tộc giàu có, lý
tưởng, ít thực tế, ngơ ngác trước bão tố cuộc đời và chiến tranh, cuối cùng
nhận ra rằng ý nghĩa cuộc đời chẳng phải là sự giàu có, hay bi tráng của chiến
tranh và những "anh hùng" của nó, kể cả Napoleon mà anh từng coi như
thần tượng, mà chính là cuộc đời giản đơn, bình dị, sự thanh thản, hòa bình
trong tâm mình. Tác phẩm này đã đưa ông lên đỉnh cao của sự ngưỡng mộ, nổi
tiếng và vinh quang không chỉ ở nước Nga mà trên toàn thế giới. Nhưng đó lại là
những thứ mà ông chẳng hề quan tâm. Ông chẳng thấy thỏa mãn với những gì đã đạt
được bởi cái ý nghĩa sâu xa của cuộc đời, điều mà ông ra sức tìm kiếm vẫn chưa
thấy. Thế là ông tiếp tục tìm kiếm. Ông tìm đến tôn giáo. Nhưng cái cách của
ông thì không phải như chúng ta, đến nhà thờ hay chùa chiền, nghe cha cố hay sư
giảng đạo giảng kinh qua loa, rồi lầm rầm đọc theo, sau đó thì vẫn sống theo
lối cũ mòn. Ông đọc kỹ Kinh Thánh và tự viết lại một quyển Kinh Thánh cho mình
sau khi loại bỏ đi tất cả những gì ông cho là rườm rà vô nghĩa. Ông đi đến kết
luận rằng ý nghĩa cuộc đời là tình yêu với Thượng Đế và Con Người, rằng Thiên
Đàng chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trong ta. Nhưng chỉ tìm ra lý thuyết thôi mà
không thực hành, vẫn sống cuộc đời sang giàu, đề huề vợ con của một quý tộc địa
chủ trong khi các nông nô của mình vẫn sống cuộc đời nghèo khổ thì cũng chả có
ý nghĩa gì. Ông đi đến quyết định cuối cùng: từ bỏ tất cả để sống cho đúng với
niềm tin của mình. Ông đã làm điều Đức Phật đã làm cách đây 2500 năm. Vào một
đêm đông giá lạnh, ở tuổi 82, ông bí mật bỏ nhà ra đi trên một chuyến tàu đêm.
Không ai biết ông đi đâu. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán. Biết đâu ông cũng
định đến một nơi nào đó, ngồi thiền cho đến lúc tỉnh ngộ như Đức Phật chăng?
Nhưng chưa đi được bao xa, ông bị cảm lạnh, viêm phổi và qua đời tại một nhà ga
nhỏ, trong nhà người trưởng ga. Biết đâu đó chính là lúc con người vĩ đại ấy đã
tỉnh ngộ, theo cách riêng của mình?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét