Xưa
nay, dù là một cá nhân, một gia đình, một nhóm người hay một nước, ai cũng phải
tự lo “miếng cơm manh áo”, cho cuộc sống của mình. Trong hàng ngàn năm, nền
kinh tế thế giới chủ yếu là nông nghiệp, dùng sức kéo súc vật, phân hữu cơ, tự
cấp tự túc tại từng vùng vì hạn chế bởi sự thô sơ của công cụ sản xuất và giao
thông. Từ giữa thế kỷ 18 trở đi, người phương tây dần dần phát minh cách làm ra
sắt thép nhiều, tốt và rẻ hơn, rồi máy hơi nước, máy dệt, xe lửa, tàu thủy, máy
phát điện, v.v. dẫn tới một cuộc cách mạng về sản xuất. Con người bắt đầu rời
nông thôn tới những khu công nghiệp và thương mại. Các thành phố được hình
thành và lớn dần lên. Giữa thế kỷ 19 ở Mỹ, rồi sau đó đầu thế kỷ 20 ở châu Âu,
người ta tìm ra những mỏ dầu lớn và bắt đầu khai thác và chế biến với quy mô
ngày càng lớn. Cuối thế kỷ 19, người ta phát minh ra động cơ đốt trong, dẫn đến
việc hình thành của công nghiệp chế tạo ô tô, rồi máy bay vào đầu thế kỷ 20.
Công nghệ dầu mỏ dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm khác như nhựa
trải đường, hóa dược, đồ dùng từ nhựa… Y và dược phát triển
dẫn đến việc kéo dài tuổi thọ của con người và tăng dân số. Việc dùng máy nông
nghiệp, phân vô cơ, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc sản xuất công nghiệp làm
nông nghiệp phát triển vượt bậc với năng suất cao và sản lượng lớn. Tất cả những tiến bộ về sản xuất, giao thông
và thương mại trong vòng 200 năm qua mang lại những tiện nghi vật chất vượt xa
những thế kỷ trước đó với những thành phố lộng lẫy lung linh ánh sáng, những căn nhà tiện nghi, những
siêu thị đầy ắp hàng hóa từ nhiều nơi trên khắp thế giới, những dòng xe cộ tấp
nập trên các con đường, những chuyến bay suốt ngày đêm tới mọi nơi trên trái
đất, v.v. và v.v. Gần đây, các nước vốn chậm phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ,
v.v. bắt đầu đi theo con đường phát triển kinh tế của phương tây và cũng nhanh
chóng đạt đựợc sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, trở thành "công xưởng của thế giới". Các nước đã phát triển trước
như Mỹ, Tây Âu và Nhật nhận ra rằng có thể chuyển những ngành sản xuất và dịch
vụ tốn lao động, đất đai, nguyên nhiên liệu, nhiều chất thải và ô nhiễm ra các
nước đang phát triển và chỉ giữ lại cho mình những gì có nồng độ “chất xám” và
giá trị cao như các công cụ tài chính, tiền tệ, thuốc đặc dụng, máy bay hay vũ
khí tối tân. Mọi thứ còn lại thì chỉ việc ra siêu thị hay đặt hàng là có ngay
nhờ nhập khẩu từ TQ, Ấn Độ, v.v. Toàn cầu hóa ra đời. Nhờ đó họ có thể “ung dung” hưởng thụ một mức
sống tiêu thụ cao và đỡ vất vả. Nhiều người tin rằng họ có thể kéo dài lối sống
như thế mãi. Thế nhưng, xưa nay chẳng có gì là mãi mãi cả. Mô hình kinh tế tư
bản dựa vào tăng trưởng và điều tiết của thị trường tự do có được những “thành
công” như ở Tây Âu, Mỹ hay Trung Quốc là nhờ một số điều kiện cần thiết trong
đó có nguyên liệu và năng lượng mà quan trọng nhất là DẦU MỎ. Kinh tế Mỹ phát
triển sớm vào đầu thế kỷ 20 nhờ các mỏ dầu lớn ở Texas và một số nơi khác. Do
khai thác lớn nên các mỏ dầu đó đã cạn kiệt. Nhưng Mỹ đã kịp phát triển một sức
mạnh quân sự lớn để bảo đảm nguồn cung cấp dầu cho mình. Một ví dụ là Saudi
Arabia cung cấp thường xuyên một lượng lớn dầu mỏ cho Mỹ để đổi lấy sự bảo đảm
về an ninh của Mỹ cho nước này. Nhưng Mỹ bắt đầu gặp một cản trở lớn: sự trỗi
dậy của TQ. Để có một nền kinh tế tăng trưởng ngoạn mục trong vòng ba thập kỷ, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với khả năng vượt qua cả Mỹ
trong vòng hai ba chục năm nữa, TQ tiêu thụ vô cùng nhiều nguyên liệu và năng
lượng trong đó có dầu mỏ mà chủ yếu là nhập khẩu. Các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ, Braxin, v.v.
cũng cần nhiều dầu mỏ như vậy. Với mức độ khai thác và tiêu thụ như hiện nay,
nhiều chuyên gia dầu mỏ đã nói đến sự cạn kiệt dần các mỏ dầu, dẫn đến giảm dần
nguồn cung. giá tăng cao và cuối cùng là hết hẳn. Người bi quan hơn thì cho rằng
chỉ 20 hay 30 năm nữa là hết dầu. Người lạc quan hơn thì bảo khoảng 50 năm hay
100 năm. Nhưng đa số đều đồng ý rằng sớm muộn sẽ hết dầu và than đá. Đời người
trăm năm trôi qua nhanh lắm. Đến ngày đó, hàng trăm triệu ô tô ở khắp nơi trên
thế giới sẽ không chạy được nữa vì xăng dầu không đủ cung hoặc giá quá đắt.
Hàng vạn máy bay sẽ không bay nữa vì thiếu xăng và giá vé quá đắt ít ai chịu
nổi. Các siêu thị ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới sẽ cạn dần hàng bởi các nước
sản xuất như TQ không xuất được hàng do tàu biển, tàu hỏa, máy bay thiếu nhiên
liệu. Sản xuất ở TQ và khắp nơi sẽ ngưng trệ vì nguyên liệu bao gồm cả dầu mỏ vốn
phải nhập từ nay đã cạn hoặc nếu có thì cũng không có tàu biển lớn để chở về.
Sản xuất lương thực như lúa mì, gạo, ngô ở khắp nơi đều sụt giảm nhanh chóng
bởi thiếu nhiên liệu cho máy nông nghiệp, thiếu phân bón vô cơ như đạm, lân,
ka-li, thiếu các loại thuốc trừ sâu, v.v. mà tất cả các thứ này đều từ dầu mỏ.
Sâu bệnh phát triển nhanh làm hại sản lượng. Lương thực sẽ thiều hụt trầm trọng
và nạn đói là khó tránh khỏi. Nhiều loại thuốc quan trọng vốn dựa vào hóa dầu
sẽ thiếu hụt làm bệnh tật tăng và sức khỏe giảm sút. Nhiều ngành vốn dựa vào dầu
mỏ như du lịch, sản xuất các sản phẩm nhựa, làm đường, chế tạo ô tô, nhiều loại
máy móc sẽ ngưng trệ vì thiếu nguyên liệu và không xuất khẩu được. Toàn cầu hóa chấm dứt. Người Mỹ đã
tạo ra những thành phố lớn với quy hoạch phổ biến là khu văn phòng và thương mại ở trung tâm còn
nhà ở thì cách xa ngoài ngoại ô. Từ nay họ sẽ khó mà đi làm bởi phải đi ô tô
hàng tiếng mới tới chỗ làm. Thi trường chứng khoán với giá trị khổng lồ nằm ở những cổ phiếu của các công ty dầu mỏ và những ngành liên quan sẽ mất giá nhanh chóng. Hậu quả là giá cả tăng vọt, lạm phát phi mã, thất nghiệp tăng cao và từ đó gây bất ổn xã hội và bạo loạn. Tất cả sẽ dẫn đến việc tranh giành quyết liệt nguồn
dầu ít ỏi còn lại và chiến tranh sẽ là không thể tránh khỏi. Đại để đó sẽ là
tương lai không mấy sáng sủa và cũng không còn quá xa của tất cả chúng ta. Con
người ở đâu cũng mong muốn một cuộc sống đầy đủ và thừa thãi. Nhờ phát triển kinh tế vượt
bậc, quả thực chúng ta đã hầu như đạt được điều đó. Chả cần phải sang Mỹ hay
Nhật, cứ vào bất cứ siêu thị nào ở Việt Nam, một nước vẫn còn đang phát triển
như ở Hà Nội hay thành phố HCM là thấy ngay sự dư thừa đó. Ở khắp thế giới cũng
như vậy. Nhưng các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế vẫn tiếp tục chủ trương tăng trưởng.
Họ vẫn tin rằng tăng GDP là phép mầu để giải quyết mọi vấn đề. Đúng vậy, trừ
khi hết dầu! Thiên nhiên đã rất hào phóng khi tạo đủ cho con người những điều
kiện cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc trên trái đất. Nhưng con người quá
tham lam, đòi hỏi rất nhiều thứ không thực sự cần thiết. Con người chỉ còn hai
lựa chọn. Một là cứ tiếp tục duy trì xã hội tiêu thụ hoang phí
hiện nay dựa trên việc tăng không ngừng sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Hai là sớm thức tỉnh và bắt đầu ngay sự chuyển đổi dần sang một lối
sống mới trong một xã hội không dựa vào dầu mỏ và than đá. Thực ra thì chỉ có một lựa chọn
– đó là trở về với cuộc sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ và nuôi dưỡng đất đai, không khí, nguồn nước, rừng và mọi loài động thực vật, sử dụng ít năng lượng, chủ yếu là năng lượng tái tạo, rời bỏ những thành phố to lớn như quái vật, trở về những thị trần nhỏ với làng mạc với rừng cây, vườn tược, ao hồ xung quanh, sống tự cung tự cấp bằng sản xuất tại địa phương là chính. Còn nếu vẫn
tham lam và không biết điều, bắt thiên nhiên phục vụ những đòi hỏi vô lý thì
thiên nhiên sẽ phải “mạnh tay”, buộc loài người trở về cái “máng lợn”, như
trong câu chuyện cổ tích sau của người phương tây:
Xưa có ông lão
nghèo
Làm nghề đánh cá
Một hôm thấy
trong lưới
Có một con cá
vàng
Đó là cá thần
Cá van xin ông
thả
“Ông muốn gì” –
Cá hứa
“Ta sẽ đáp ứng
ngay”
Lão thật thà
chẳng xin
Mà thả ngay con
cá
Mụ vợ ông thấy
thế
Bắt ông cụ ra
xin
“Một cái máng
lợn ăn
Máng nhà mình đã
vỡ”
Ông cụ ra xin cá
Về nhà có máng
mới
Mụ vợ liền quát
ngay
“Ta muốn ngôi
nhà mới”
Cụ ông lại ra
bến
Về thấy nhà mới
ngay
Mụ vợ vẫn thét
lên:
“Ta muốn làm
hoàng hậu”
Mụ lại được toại
nguyện
Nhưng vẫn giận
lôi đình:
“Ta muốn làm
Long Vương
Cá vàng kia hầu
hạ”
Tội nghiệp ông
lão quá
Lại ra biển cầu
xin
Cá vàng chỉ lặng
im
Rồi lặn sâu
xuống nước
Lão buồn rầu lê
bước
Về chẳng thấy
còn gì
Vẫn lều cũ nát
xưa
Vợ ngồi bên máng vỡ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét