Tại
vòng đầu cuộc thi “Tìm kiếm tài năng” của truyền hình Anh năm 2009 – tiếng Anh
là “Britain's got Talent” – một chương trình truyền hình nay lan rộng ra khắp thế
giới – bước lên sân khấu là một phụ nữ trung niên, tuổi gần 50, thất nghiệp, khuôn
mặt và dáng người bình thường, mà có lẽ là hơi xấu, lại còn có vẻ hơi "đao", từ một làng quê vô danh
đâu đó ở vùng Scotland, cô độc, chưa qua bất cứ đào tạo nào về thanh nhạc và cũng chưa
từng lên sân khấu. Trả lời câu hỏi của một vị giám khảo là chị có ước mơ gì, chị nói là muốn trở thành một ca sỹ chuyên nghiệp, như
Elaine Paige – một ca sỹ loại nhạc kịch hàng đầu của Anh và thế giới, với cả
chục album vàng và bạch kim – khán giả cười ồ lên, bởi có lẽ họ đã chứng kiến những thí sinh
tương tự, chẳng có tài năng gì nhưng cứ tham gia thi, có khi chỉ để cốt được
lên sân khấu lớn, lên TV một lần mà không biết là mình là trò cười cho thiên hạ. Nhưng khi
chị cất tiếng hát thì cả gian phòng và các vị giám khảo lặng đi để rồi đến cuối
cùng thì vỡ òa ra bằng những tràng vỗ tay không ngớt. Đoạn video tiết mục này
trên Youtube có tới 74 triệu lượt người xem. Susan Boyle – đó là tên chị - sau
đó nhanh chóng trở thành một megastar – tạm
dịch là “siêu sao”, đã bán được tới 17 triệu đĩa, được mời đi biểu diễn ở khắp
thế giới tại các sân khấu lớn và nổi tiếng nhất. Có lẽ chị phải có một tình yêu
ca hát lớn lao và một ước mơ cháy bỏng là được hát, chị mới đủ nghị lực để mấy
chục năm qua chịu sống cuộc đời buồn tẻ ở thôn quê, với ngoại hình loại “xấu xí”
và cái tuổi già sắp đến của mình, lại thất nghiệp và có lẽ có rất ít tiền. Một
người “bình thường” như chúng ta thì có lẽ đã đầu hàng “số phận” chịu sống lay
lứt cho đến hết đời, ngày ngày than vãn vì số phận “hẩm hiu” của mình. Chúng ta
cũng như cái đám khán giả kia, thường vội vàng “đánh giá” và “kết luận” về
người khác trong khi không biết gì về họ cả. Hàng xóm thể nào cũng đã nghe
tiếng chị hát và có người có lẽ đã thốt lên “con mụ hâm”. Susan Boyle đã dạy
cho chúng ta rằng nếu mình đã thực sự yêu một điều gì đó thì phải hết lòng với
nó, bất chấp tất cả những “ý kiến” của người khác, kể cả các loại “chuyên gia”
mà tựu trung là thay vì cổ vũ khuyến khích động viên thì họ làm điều ngược lại.
Có lẽ chị - cũng như những người “thành công” khác – tin rằng chị có đủ mọi
điều kiện cần thiết mà Thượng Đế đã ban cho để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Có
lẽ chị đã không để ý và không tin vào những “khiếm khuyết” của mình về tuổi
tác, ngoại hình, xuất xứ và học vấn chuyên môn. Hẳn chúng ta khi trẻ ai cũng có
ước mơ trở thành ca sỹ, nhà khoa học, họa sỹ, v.v. Nhưng rồi những thành kiến
của xã hội, thậm chí cả gia đình và trường học vô tình làm thui chột ước mơ của
ta, làm nhụt ý chí và niềm tin của ta để rồi biến ta thành những công dân tầm
thường. Không có gì là “không thể” khi ta có tình yêu cháy bỏng với lẽ sống của
mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét