Trên đường đời, ta thường gặp và quen biết được hàng trăm, hay hàng ngàn người. Dù có quen biết đến hàng vạn người đi nữa thì cũng vẫn là một số lượng cực kỳ
ít so với hàng bao nhiêu tỷ người đang sống trên Trái Đất. Ta thường chẳng để
ý đến những người ta gặp hàng ngày trên đường đời vì cho là do “tình cờ”. Nhưng
sao ta lại gặp những người này mà không phải là những người khác? Có lẽ là có một
cái gì đó đặc biệt, như là “duyên số” chẳng hạn? Bố mẹ, anh chị em ta, tại
sao là chính họ chứ không phải là những người khác? Rồi vợ hay chồng, con cháu ta. Rồi hàng xóm, bạn học, đồng nghiệp, v.v. Có lẽ là vì suy nghĩ
như vậy, nên Tagor đã nói rằng ông phải hết sức chăm chú để không “để sót” một
ai, kể cả những người ông tình cờ gặp hàng ngày. Đó là một cách cử xử thật bao
dung và ấm áp tình người. Còn chúng ta thì chỉ nhìn thấy ở những người gần ta
những sự khó chịu, cảm thấy mất thì giờ vô ích khi ở bên họ. Để được yên, ta
tìm cách tránh họ, trốn vào một chỗ riêng của mình. Loài người luôn mâu thuẫn,
chia rẽ có lẽ chính là bắt nguồn từ chỗ ta cứ muốn gặp ai đó “hay hơn”, chứ
không phải là những người chúng ta gặp trên đời. Gặp một người lạ ở ngoài phố,
ta có thể đối xử thô bạo, bất lịch sự, vì việc gì mà phải tử tế với một người
lạ, một kẻ qua đường? Nhưng họ có một mối “duyên Trời” với ta nên ta mới gặp họ.
Suy rộng hơn một chút thì ta sinh ra trên Trái Đất này với những người và sinh vật khác
cũng là do duyên Trời. Nếu không thì ta đã có thể sinh ra làm một người “Ngoài Hành
Tinh” nào đó, sống ở đâu đó ngoài Trái Đất, như trong các phim giả tưởng của Hô-ly-ut.
Không chấp nhận “duyên Trời” để sống hòa thuận với mọi người và mọi vật trên Trái
Đất là nguyên nhân mọi bất hạnh của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét