Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Tôn giáo




Nếu bạn không tin vào tôn giáo nào thì đó cũng là một niềm tin cần được tôn trọng. Ngược lại cũng thế.

Vẫn trái đất cùng vạn vật ấy, vẫn bầu trời cùng các trăng sao ấy, thế mà cái tâm phân biệt của con người lại tách ra trời của tôi, trời của anh, v.v. và cho đến hôm nay, họ vẫn không chịu nhìn thấy điều hiển nhiên là mọi thứ chỉ là một và chỉ có sự tưởng tượng của họ là khác nhau.

Tôn giáo sinh ra có lẽ vì con người cần giải thích, chỗ dựa tinh thần và an ủi về những vấn đề do thiên nhiên và xã hội gây ra mà họ không hiểu được, nhất là khi đó là những tai họa đối với cuộc sống. Vì thế tôn giáo sẽ còn tồn tại chừng nào chưa có lời giải thích thuyết phục hơn.

Nếu hàng triệu tín đồ của nhiều tôn giáo trên khắp thế giới hàng ngày không chỉ kính cẩn lễ lạy mà còn thực hành những điều kinh sách của họ dạy thì thế giới chắc sẽ nhiều nụ cười hơn nước mắt.

Đừng để ý tôn giáo ấy tên là gì, tín đồ của nó mặc mũ áo gì, làm lễ gì. Hãy xem tôn giáo ấy rao giảng điều gì. Và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng, về bản chất, các tôn giáo không khác nhau nhiều. Điều đáng buồn là những kẻ cuồng tín một tôn giáo cho rằng chỉ có tôn giáo của họ mới là hay ho nhất, sách thánh của họ mới là chân lý đích thực, còn những tôn giáo khác là tà đạo. Từ đó, trong suốt lịch sử hàng ngàn năm, nhân danh tôn giáo, họ gây ra những điều tàn bạo trái hẳn với đạo lý của chính tôn giáo họ tin theo.

Vấn đề có lẽ không phải là tôn giáo mà là sự lợi dụng tôn giáo cho những mục đích khác, thường là vụ lợi.

Các nhà lãnh đạo chính trị ở mọi thời đại đều tham quyền lực. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhất là những tôn giáo có tổ chức cũng vậy thôi. Để giành và giữ quyền lực thì cả hai đều tỏ ra không hề thua kém nhau về mức độ tàn bạo và xảo quyệt.    

Các nhà cầm quyền ở mọi thời đại luôn hiểu rõ rằng tôn giáo có thể là một công cụ hữu hiệu giúp họ nắm quyền. Có lẽ đây mới là nguyên nhân thật của các vấn đề thường được cho là do tôn giáo gây ra.  

Có lẽ vì bất lực và nản lòng trước một cuộc đời đầy rẫy xấu xa và phi lý, có những tôn giáo chủ trương từ bỏ cuộc đời mà họ cho là giả tạm, hư vô, không có thật để tìm cách “thoát” sang một thế giới an lành trong tưởng tượng của họ. Có lẽ vì thế mà Marx, ông tổ của chủ nghĩa cộng sản đã gọi tôn giáo là một loại thuốc phiện. Ngày nay những kẻ dùng ma túy cũng trốn chạy khỏi cuộc đời để được cảm giác đê mê trong một thế giới tưởng tượng do chất ma túy tạo ra.

Các buổi lễ tôn giáo ngày nay có vẻ đang biến thành một thứ biểu diễn. Cũng tốn kém, hoành tráng với hàng trăm “diễn viên chính” với đủ loại mũ áo, “đạo cụ”, âm thanh ánh sáng công phu, thuộc làu làu kinh sách và “diễn xuất” và hàng ngàn, có khi hàng chục ngàn “khán giả” tham gia hết sức ăn ý với “kịch bản” khi hát cùng, đọc cùng với động tác và vẻ mặt thành kính xúc động. Tóm lại đó là những “show” chuyên nghiệp không chê vào đâu được, vượt xa thời khởi thủy của các Đức Giê-su, Đức Phật, v.v. Tuy nhiên, điều không khó nhận ra là những lời dạy của các bậc thánh hiền xưa hình như đã trở nên lạc lõng, bị nhấn chìm trong một đại dương tham lam và ích kỷ của thế giới ngày nay. Tiếc thay, cái còn lại chỉ là “mũ áo” hoặc may lắm thì hơn một chút.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét